Làm Giáo sư ở Lyons
Lyons không chỉ là một nơi đầy ắp lịch sử, mà cho đến ngày nay, bất chấp sự tách biệt giữa Giáo Hội và Nhà nước, còn là một trung tâm phồn thịnh của đời sống Giáo hội. Thành phố nằm ở hợp lưu của sông Saône và sông Rhône. Người La Mã định cư trên ngọn đồi nhìn ra sông Saône. Là Giáo Hội đầu tiên được thành lập ở phương Tây (sau Rôma) bởi vị giám mục tử đạo Pothinus (mất năm 177 SCN), Lyons là cái nôi của Kitô giáo ở Pháp; nó cũng quan trọng như là bối cảnh thừa tác vụ của người kế vị ngài, Thánh Irênê vĩ đại (mất năm 202). Vào ngày lễ của ngài (28 tháng 6), Đại học Công Giáo Lyons tổ chức một buổi lễ tại lăng mộ của ngài ở hầm mộ của Nhà thờ Saint Irênê. Vào thời Trung cổ, Lyons đã tổ chức hai công đồng: năm 1245 (trong số những điều khác, đã ban hành sắc lệnh về bầu cử giáo hoàng) và năm 1274, Thánh Tôma Aquinô qua đời trên đường đến Công đồng Lyons thứ hai này. Chủ tọa nó là Đức Hồng Y Bonaventura, người, sau khi đem lại việc thống nhất với người Hy Lạp (sau đó không lâu bị đình chỉ), đã chết vì kiệt sức vào ngày 15 tháng 7, trước khi Công đồng chính thức kết thúc, và được chôn cất tại Lyons.
Sau những cơn bão Cách mạng Pháp, Lyons đã phục hồi về tâm linh và bầu không khí Kitô giáo mạnh mẽ của nó đã làm nó trở thành mảnh đất màu mỡ cho ba hiệp hội truyền giáo, được thành lập ở đó vào nửa đầu thế kỷ XIX. Bắt đầu từ năm 1892, Marius Gonin đã tổ chức Semaines Sociales de France (Các Tuần lễ Xã hội Pháp), các tuần lễ, từ năm 1904, đã giải quyết những thách thức của một xã hội ngày càng kỹ nghệ hóa, phù hợp với Thông điệp xã hội Rerum novarum (Tân sự) (1891). Cơ quan ngôn luận của họ là ấn phẩm Chronique sociale [Sử biên Xã hội] (thành lập năm 1893), cũng có trụ sở chính tại Lyons. Trong phòng họp của tổ chức xã hội Chronique Sociale, de Lubac đã trình bầy hai bài diễn thuyết cho một nhóm nghiên cứu của phong trào xã hội Kitô giáo; hai bài này sẽ được đưa vào phần đầu của cuốn Catholicisme của ngài (Phục Vụ Giáo hội, trang 27). Trong đó, ngài phản đối mọi lối giải thích về Kitô giáo nhằm giới hạn Tin mừng vào một sứ điệp cứu rỗi đầy tính cá nhân chủ nghĩa và ngài bảo vệ luận điểm cho rằng đạo Công Giáo do chính bản chất có tính xã hội, đến mức cụm từ “xã hội Công Giáo” là thừa thãi một cách không cần thiết (Catholicisme, tr. 15).
Tại Lyons năm 1930, de Lubac làm quen với một chuyên gia lỗi lạc về tôn giáo Viễn Đông (người có thể đọc các bản văn bằng nguyên ngữ tiếng Phạn), đó là Abbé Monchanin, người sẽ dẫn nhập ngài vào thế giới Phật giáo. Bản thân Monchanin đã đến Ấn Độ vào năm 1939 với tư cách là một nhà truyền giáo. Từ năm 1950 trở đi, ngài sống một cuộc sống hoàn toàn dành cho việc chiêm niệm và chỉ trở về Pháp vào năm 1957 khi ngài sắp qua đời. De Lubac đã dựng một tượng đài cho ngài vào năm 1967: một tập sách nhỏ, được chuẩn bị đầy yêu thương với một câu chuyện sống động và được minh họa bằng một số bức ảnh. Cuốn sách nhỏ (1), dành riêng cho các linh mục của Tổng giáo phận Lyons, không những mô tả vị linh mục và nhà truyền giáo đầy ấn tượng này mà còn mang đến cho người đọc cái nhìn sinh động về sinh hoạt trí thức và giáo hội của Lyons trong những năm 1930. Chẳng hạn, Chương Ba (các trang 29-37) được dành cho Abbé Couturier, người đã trở thành quen thuộc ở Bỉ với Tuần Tám ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo và đã đưa nó vào Lyons năm 1933. Qua Cha Couturier, de Lubac đã tham gia vào phong trào đại kết. Có lần ngài được mời giảng trong tuần cầu nguyện 8 ngày. Điều này đã dẫn ngài đến việc tiếp xúc với hai mục sư trẻ Thụy Sĩ, Roger Schutz và Max Thurian, những người vào thập niên 1940 đã thành lập cộng đồng đơn tu Tin Lành ở Taizé gần Cluny, không xa Lyons (Phục Vụ Giáo hội, trang 45).
Niềm đam mê duy nhất của tôi
Vào tháng 9 năm 1929, de Lubac “hạ sơn” xuống ở tại một nhà của Dòng Tên trên đường Rue d’Auvergne (theo lời ngài là một tòa nhà cũ kỹ, xiêu vẹo). Tháng 10 năm 1929, người hướng dẫn mới đã có bài giảng đầu tiên của mình, "Apologetics and Theology" [Khoa Hộ giáo và Thần học] (2). Trong đó, de Lubac phác họa một hình thức hộ giáo khác với quan điểm thông thường của môn thần học, môn mà ngài sắp sửa dạy này. Trong khóa học Tân kinh viện, người ta coi nhiệm vụ của hộ giáo là bảo vệ hệ thống tín lý khép kín và cố định của các niềm tin Công Giáo (vì nó được quy định một cách toàn diện trong thần học tín lý) trước sự phản đối của các nhà phê bình tôn giáo và để bảo vệ nó khỏi các câu hỏi và thách thức nảy sinh trong thời Cải cách. De Lubac không bao giờ phản bác tầm quan trọng của việc “bảo vệ đức tin” đúng đắn, một điều cũng luôn là một dấu hiệu cho thấy sinh lực của nó. Thực vậy, trong một lá thư năm 1961 cho Cha Phó Bề trên cả của Dòng Tên, ngài viết, “Niềm đam mê duy nhất của đời con là bảo vệ đức tin của chúng ta” (Phục Vụ Giáo hội, trang 324). Tuy nhiên, trong cuốn Đạo Công Giáo: Chúa Kitô và Số phận chung của Con người, ngài phàn nàn phần nào rằng thật bất hạnh khi học giáo lý để chống lại ai đó (Catholicisme, 309). Khi ở thế phòng thủ, người ta luôn yếu thế, để cho đối phương lựa chọn các chủ đề; mãi phụ thuộc vào những lời chỉ trích và có nguy cơ không nhìn thấy sức mạnh và vẻ đẹp thực sự của lập trường mình và che khuất nó khỏi tầm nhìn của người khác. Theo De Lubac, Giáo Hội không bao giờ nên tự thỏa mãn với nguyên bằng chứng là mình vẫn hiện hữu. Đúng hơn, Giáo Hội được sai đi vào thế giới và đem Tin Mừng đến cho mọi người. Do đó, de Lubac, được Maurice Blondel truyền cảm hứng rõ ràng, đã cố gắng xem xét tình huống trí thức của con người hiện đại, con người phần lớn đã ra xa lạ với đức tin và Giáo hội. Ngài không thích coi đức tin của Giáo hội như một khối khép kín, bắt nguồn từ một sắc lệnh thần linh và do đó con người phải chấp nhận không cần giải thích về mọi điều liên quan đến cuộc sống của mình. Lấy con người, như một hữu thể được sắp xếp cho sự siêu việt thần linh, làm điểm xuất phát, kiểu hộ giáo mà Henri de Lubac có trong tâm trí phải chứng minh sứ điệp Tin Mừng giải quyết ra sao các vấn đề thực sự của tinh thần con người và cuối cùng, (nói theo cách nói của Thánh Augustinô), phải chứng minh cho những người ngoại giáo, bằng lý lẽ, không tin là điều phi lý đến chừng nào. Trong diễn trình này, con đường từ lý lẽ đến đức tin hoàn toàn không hề là con đường một chiều. Sau “cái nhìn sâu sắc vào đức tin” là “cái nhìn sâu sắc nhờ đức tin”. Ánh sáng đức tin soi sáng lý trí và làm cho chúng ta có thể hiểu biết ngày càng sâu sắc hơn về mầu nhiệm Thiên Chúa và về con người. Bài giảng đầu tiên của De Lubac vào năm 1929 đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử thần học từ hộ giáo sang thần học căn bản như ngày nay được hiểu rộng rãi.
Henri de Lubac nhắc đi nhắc lại rằng ngài đã không được chuẩn bị cho nhiệm vụ mới làm giáo sư chủng viện. Ngài không được yêu cầu viết luận án tiến sĩ (bằng cấp là cần thiết, vì vậy nó đã được trao cho ngài theo quy định), và bất cứ khi nào ngài yêu cầu thời gian để nghiên cứu sau đó, đơn thỉnh cầu của ngài luôn bị từ chối. Thay vào đó, ngài nhận được một nhiệm vụ giảng dạy bổ sung. Ngay từ mùa xuân năm 1930, khoa trưởng của khoa, Podechard, đã yêu cầu ngài chuẩn bị cho các khóa giảng về lịch sử tôn giáo. Năm 1938, ngài được bổ nhiệm làm giáo sư thần học căn bản, và cuối cùng, vào năm 1939, ngài cũng được bổ nhiệm làm giáo sư lịch sử tôn giáo.
Ở Lyons, Henri de Lubac đã giảng dạy các sinh viên thần học của bốn mươi giáo phận khác nhau và các thành viên của nhiều cộng đồng tu trì, nhưng không có một sinh viên Dòng Tên nào; hơn nữa, ngài là tu sĩ Dòng Tên duy nhất trong số các giáo sư của khoa thần học [tại Đại học Công Giáo]. Bạn của ngài, người cùng dòng và cùng nhà của ngài, Auguste Valensin, là người giảng dạy tại khoa triết học.
Nổi bật trong số các đồng nghiệp của de Lubac trong khoa thần học là hai khoa trưởng, người đầu tiên là Emmanuel Podechard, một Cha Dòng Xuân Bích và là học giả Cựu Ước. Công việc trong lĩnh vực này vẫn bị cản trở rất nhiều vào những năm 1930 bởi những hạn chế của Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh, điều này đã khiến Podechard, một người luôn vâng lời Giáo hội, rất đau khổ, vì ngài không thể công bố kết quả nghiên cứu của mình. Sau đó, Georges Jouassard, một nhà giáo phụ học, người cũng dạy lịch sử tín lý, trở thành khoa trưởng của de Lubac. Jouassard, một người có sở trường ngoại giao, ngay thập niên 1930, đã thấy một cách hơi lo lắng việc de Lubac trình bày thần học của mình một cách thẳng thắn, một điều va chạm với nhiều lập trường của Tân Kinh viện, và đã cảnh báo ngài về những hậu quả có thể xảy ra. Tuy nhiên, sau đó, sau khi nổ ra vụ xung đột đã dự đoán trước, vị này đã đứng về phía ngài và như de Lubac nhấn mạnh, ngày càng trở thành một người bạn của ngài.
Fourvière: Huyền thoại và Thực tại
Việc Henri de Lubac, vào năm 1934, chuyển đến cư trú tại trường cao đẳng Dòng Tên “trên đồi” ở Lyons-Fourvière đã gây ra những hậu quả cực kỳ quan trọng đối với lịch sử thần học. Mặc dù ngài không liên quan gì đến chương trình học ở học viện dòng Tên (ngoại trừ một vài bài giảng về Phật giáo và một thời gian ngắn thay thế cho một nhà thần học tín lý bị ốm), ngài vẫn tạo được ấn tượng gây ảnh hưởng đối với cả một thế hệ các sinh viên trẻ Dòng Tên đã học ở Fourvière trong các thập niên ba mươi và bốn mươi, những người cảm thấy nhàm chán, chưa kể là chán ghét nền thần học Kinh viện được cung cấp ở đó, trong khi họ bị cuốn hút bởi Henri de Lubac, người sống cùng một ngôi nhà. Hans Urs von Balthasar nhớ lại rằng:
“May mắn thay, Henri de Lubac đã ở đó, và ngài đã giới thiệu với chúng tôi vượt qua chủ nghĩa kinh viện để gặp các Giáo phụ, ngài đã quảng đại cung cấp cho chúng tôi các ghi chú và trích dẫn của ngài. Vì vậy, trong khi những người khác chơi túc cầu, tôi cùng với Daniélou, Bouillard và một số người khác (Fessard không còn ở đó nữa) đã học hỏi, và tôi đã viết mấy cuốn sách về Origen, Grêgoriô thành Nyssa, và Maximô”(3).
Một bức tranh sống động cũng được cung cấp bởi hồi ký của một sinh viên khác tại Fourvière vào thời điểm đó, Xavier Tilliette (sinh năm 1921), người đã viết rằng de Lubac “Không phải là một giáo sư trong học viện, mà đúng hơn ở ‘bên dưới’trong phân khoa Đại học Công Giáo. Mặc dù kiệt lực, ngài không bao giờ trở lên bằng dây cáp kéo [funiculaire], nhưng leo lên một cách vất vả bằng cách vượt qua những đường phố dốc và hẹp. Tuy nhiên, ‘ở bên trên’, ngài đã tiến hành một loại thừa tác vụ giảng dạy bí mật; các giáo sư và sinh viên đều đến thăm phòng của ngài thường xuyên. Bản thân ngài không bao giờ quan tâm đến việc có ‘đệ tử’, ‘Các con chỉ có Một Thầy’, nhưng thay vào đó là việc truyền cảm hứng để họ trở thành những nhà thần học cần mẫn. Các nghiên cứu của họ giả thiết phải mang lại mô thức cho cho đời họ và huấn luyện họ trở thành những nhân chứng cho Chúa Giêsu Kitô. Từ khóa giảng dạy yên tĩnh, khiêm tốn này đã phát sinh điều người ta có thể gọi là ‘trường phái Fourvière’. Nhưng ai mô tả được mùa xuân thần học này, nở rộ ở đó không lâu trước và trong những năm chiến tranh kinh hoàng? Trong căn bản, nó hoàn toàn không phải là một ‘trường phái’, càng không phải là một nền ‘thần học mới’. Thay vào đó, các nguồn giáo phụ xưa, gần với Kitô giáo sơ khai, bắt đầu xuất hiện và tuôn chẩy thành nhiều dòng.... Người đứng đầu trường phái là một người đang đau đớn, người đã mang về nhà sau thế chiến thứ nhất một vết thương nặng ở đầu từng cản trở công việc của ngài trong nhiều ngày và nhiều tuần liên tục. Rất nhiều lần, chúng tôi thấy ngài ngồi trên một chiếc ghế êm ái hoặc nằm dài trên giường, hiếm khi nói được. Chúng tôi ngấu nghiến sách của ngài.... Từ một tầm nhìn trung tâm duy nhất, tác phẩm của ngài đã khai triển theo mọi hướng, giống như một thân cây tự do vươn các nhánh của nó ra. Ngài rất coi trọng việc ‘hoán cải cõi lòng’ cần thiết cho mọi cuộc nghiên cứu thần học. Ngài nhấn mạnh vào tính khách quan, tuân phục các dữ kiện, nghĩa là, những gì có đó, và nếu là Mặc khải Thần linh, thì phải tuân phục mầu nhiệm” (4).
Nhóm các nhà thần học trẻ tuổi, có năng khiếu này tập hợp xung quanh người bạn và là thầy của họ, Henri de Lubac, có một sinh khí và năng lực thần học đổi mới đến nỗi những người chống đối sau này nói tới một “trường phái Fourvière” và toàn bộ câu chuyện thậm chí còn thổi phồng thành “huyền thoại Fourvière”.
Các nguồn Kitô giáo và Thần học
Năng lực của thế hệ thần học trẻ này đã được thể hiện trong hai loạt ấn phẩm. Henri de Lubac đóng một vai trò ảnh hưởng trong cả hai loạt tác phẩm này.
Ý tưởng làm loạt ấn phẩm Sources chrétiennes (nghĩa đen: Các Nguồn Kitô giáo) đã có từ trước Thế Chiến thứ hai. Dự án là đứa con tinh thần của Cha Victor Fontoynont (5), người ban đầu chỉ nghĩ đến việc xuất bản các bản văn của các Giáo phụ Hy Lạp, vốn được cha cho sẽ là một nguồn đầy hứa hẹn trong cuộc gặp gỡ đại kết với các Giáo hội Đông phương. Với việc bắt đầu chiến tranh và sự thuyên chuyển của Cha Chaillet, người phụ trách dự án lúc đầu, trách nhiệm đối với nó nay thuộc về Henri de Lubac. Năm 1942, tập đầu tiên xuất hiện: bản dịch cuốn Cuộc Đời Môsê của Thánh Grêgôriô thành Nyssa do Jean Daniélou (6) dịch. De Lubac và Daniélou đã cùng nhau làm biên tập viên của loạt sách này: Daniélou, ở Paris, chịu trách nhiệm quảng cáo và phân phối ở vùng nước Pháp bị chiếm đóng, trong khi de Lubac, ở Lyons, cũng làm như vậy đối với nước Pháp chưa bị chiếm đóng. Các chuyên viên, trong các lĩnh vực tương ứng của họ, đã được tuyển lựa để trình bày các bản văn không bị cắt xén của các Giáo phụ Latinh và Hy Lạp, cũng như các trước tác của các nhà thần học thời Trung cổ. Sau chiến tranh, các tập sách ngày càng mang tính bác học cao. Bên cạnh bản dịch tiếng Pháp, hầu hết các tập đều trình bày một ấn bản gốc có phê phán, cùng với phần dẫn nhập có tính lịch sử và thần học. Bộ sách Sources chrétiennes, đến năm 1999 đã tăng lên hơn 440 tập, không những tạo nên một sự đổi mới đáng kể trong việc nghiên cứu các giáo phụ, vốn đã có ảnh hưởng lâu dài đối với thần học Pháp và linh đạo của Giáo hội Pháp, mà còn thiết lập tiêu chuẩn biên tập và là một điển hình cho thế giới nói tiếng Đức (kể từ năm 1990, loạt sách Fontes Christiani, tiếng Latinh có nghĩa là “các nguồn Kitô giáo”, đã được Herder xuất bản).
Các nhà xuất bản của Sources chrétiennes nhận ra rằng chỉ cung cấp các bản văn và lặp lại khẩu hiệu “trở về nguồn” là đã đủ. Cũng cần phải giải thích nội dung lâu dài của nền thần học giáo phụ và áp dụng nó vào một loạt các vấn đề đương thời khác.
Một loạt sách khác được dành riêng cho mục đích này nhằm bổ sung cho việc thu thập các nguồn qua việc xuất bản các nghiên cứu đặc biệt về các chủ đề trong thần học giáo phụ và thời trung cổ. Bộ sưu tập thứ hai này được gọi là Théologie (Thần Học), với phụ đề là “Các nghiên cứu xuất bản dưới sự chỉ đạo của Khoa Thần học của Dòng Tên tại Lyons-Fourvière”. Nhà xuất bản Aubier ở Paris cũng bắt đầu in bộ sưu tầm này, ngay trước khi Thế Chiến thứ hai kết thúc. Tập 1 là luận án Rôma của Henri Bouillard (7) về Sự Hoán cải và Ân sủng nơi Thánh Tôma Aquinô (1944), trong đó, trích dẫn Rousselot và các nhà thần học [thế kỷ XX] khác, tác giả đi theo con đường tái tạo lại điều Thánh Tôma thực sự muốn nói. Luận án tiến sĩ của Jean Daniélou về Thánh Grêgôriô thành Nyssa đã được in thành tập 2. Tập 3, xuất hiện vào năm 1944, là Corpus mysticum (Nhiệm Thể), của Henri de Lubac, người sau đó đã xuất bản hầu hết các chuyên khảo của mình trong loạt sách này.
Cuốn đầu tiên của ngài: "Một cuốn sách xuất sắc"
Ngoài nhiệm vụ giảng dạy tại trường đại học, de Lubac còn được mời thuyết trình về nhiều chủ đề khác nhau. Điều này dẫn đến một số tiểu luận, một số đã được xuất bản. Khi Cha Yves Congar, O.P. (8) yêu cầu de Lubac soạn một cuốn về chủ đề giáo hội học cho bộ Unam Sanctam, mà Cha Congar chủ biên, cha đã đề nghị de Lubac thu thập một tuyển tập các tiểu luận này thành một cuốn sách. Đó là nguồn gốc của cuốn sách đầu tiên của de Lubac, Catholicisme: Les Aspects Sociaux du dogme [Công Giáo: Các Khía cạnh Xã hội của Tín điều] (Bản dịch tiếng Anh: Catholicism: Christ and the Common Destiny of Man [Công Giáo: Chúa Kitô và Số phận chung của Con người]), xuất hiện lần đầu năm 1938 và đã được tái bản nhiều lần. Từ các chương của cuốn sách này mà xuất hiện “các nhánh của các tác phẩm lớn tiếp theo như thể từ một thân cây duy nhất”, như Hans Urs von Balthasar đã sắc sảo nhận định. Do đó, cuốn sách là một dẫn nhập tốt để đọc de Lubac, nhưng cũng là một người bạn đồng hành thích đáng cho các tác phẩm lớn sau này. Đối với những tiểu luận ngắn ban đầu này, chúng ta thường thấy các luận đề sau này và các lập luận chính ở dạng cô đọng và dễ nắm bắt. Hơn nữa, so sánh giữa cuốn Catholicisme và các tác phẩm sau này cho thấy sự nhất quán tuyệt vời trong tư tưởng của de Lubac, không có bất cứ sự gián đoạn hay khác biệt nào. Ngay từ năm 1943, bản dịch tiếng Đức của Hans Urs von Balthasar cuốn Catholicisme [Công Giáo] đã được Benziger xuất bản, và ấn bản thứ hai được nhà xuất bản Johannes Verlag của Balthasar in vào năm 1970. Khó khăn của Balthasar trong việc tìm cách dịch chính xác tựa đề sang tiếng Đức đã minh họa các vấn đề nảy sinh từ chủ đề quan yếu của cuốn sách. Ấn bản đầu tiên được gọi là Katholizismus als Gemeinschaft [Công Giáo như một cộng đồng], gần giống với tựa gốc bằng tiếng Pháp. Nhưng điều đó không hoàn toàn đúng, như chính Balthasar sau này đã nhận ra (xem trang 23, số 9). Trong tất cả các tiểu luận của cuốn sách này, de Lubac không quan tâm đến việc trình bày những gì chuyên biệt là Công Giáo như một “giáo phái”. Người đọc nào mong đợi một cuốn sách như vậy sẽ thấy rằng cả chương nói về ngôi giáo hoàng lẫn các suy gẫm về tầm quan trọng của Thánh truyền đều không có. Tuy nhiên, de Lubac không có ý định sản xuất một sách giáo khoa Công Giáo về Giáo hội. Thay vào đó, ngài quan tâm đến tính Công Giáo [catholicity] như một chiều kích của Giáo hội. Ngay từ giờ phút đầu tiên hiện hữu, Giáo hội đã là Công Giáo, vì “nơi mỗi cá nhân [Giáo Hội] kêu gọi toàn thể con người, ôm lấy họ như họ hiện hữu toàn bộ bản chất họ” (Catholicisme, tr. 49).
Karl Rahner, người duyệt cuốn sách trong Zeitschrift fur Katholische Theologie (Tạp chí Thần học Công Giáo), đã viết như đinh đóng cột rằng:
“Một cuốn sách xuất sắc. Mặc dù được viết bằng một văn phong giản dị, rõ ràng nhằm thu hút nhiều độc giả hơn, về những vấn đề 'hợp thời', nó vẫn có chiều sâu thần học đáng kể. Nó không bàn đến phần học thuyết luân lý của Giáo hội vốn được gọi là giáo huấn xã hội, cũng không bàn tới các vấn đề về “nghiệp đoàn lao động”, mà đúng hơn bàn đến sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại trong Chúa Kitô và trong Giáo hội. Nó giải thích cái nhìn sâu sắc này là, theo các nguyên lý căn bản nhất của đức tin Kitô giáo, nhân loại không những là một tổng thể bên ngoài, ngẫu nhiên gồm các cá nhân đơn lẻ, mỗi cá nhân chỉ biết làm việc cho sự cứu rỗi của chính mình. Đúng hơn, trong kế hoạch cứu rỗi nguyên thủy, trong Cuộc Sa Ngã, trong việc Chúa Kitô cứu chuộc họ, trong trọn lịch sử cứu rỗi từ Ađam đến tận thế và ngay cả trong sự cứu rỗi đời đời, nhân loại là một sự hiệp nhất thánh thiện trong Chúa Kitô và trong Giáo hội" (9).
Kỳ tới: Corpus mysticum [Nhiệm Thể]