Theo Elise Ann Allen của tạp chí CruxNow, Giáo hoàng Hàn Lâm viện Khoa học Xã hội của Tòa Thánh đã tổ chức một cuộc hội thảo cuối tháng 6 vừa qua tại Vatican, với chủ đề “Đối thoại giữa các Nền Văn minh về Những Điểm chung Hoàn cầu” (Dialogue Between Civilizations on Global Commons). Căn cứ vào các thay đổi liên quan đến việc quảng cáo cho biến cố này và danh sách các diễn giả, người ta thấy Tòa Thánh đang cố gắng làm giảm nhẹ điều khởi đầu vốn quá tập chú vào Trung Hoa. Tuy nhiên, xu hướng “thân” Trung Hoa vẫn rõ nét.



Thực vậy, những người đồng tổ chức biến cố với Hàn lâm viện Khoa học Xã hội gồm kinh tế gia Hoa Kỳ Jeffrey Sachs, kinh tế gia Úc Steve Howard, và triết gia Ý Riccardo Pozzo.

Howard nằm trong số các diễn giả tại hội nghị thượng đỉnh Kinh tế và Kỹ thuật Trung Hoa Hoàn cầu [Global Chinese Economic and Technology] tổ chức tại Mã Lai tháng 12, năm 2022. Tựa đề bài nói chuyện của ông là “Trung hoa và thế giới trong nền kinh tế hoàn cầu sau đại dịch – Hướng tới một tương lai chung và sự thịnh vượng lâu dài”. Quỹ ông làm chủ tịch, Global Foundation, tổ chức biến cố “Sứ mệnh Bắc Kinh” từ 28 tới 29 tháng 4 vừa qua. Trang mạng của Qũy có lá thư ủng hộ của của Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Pietro Parolin, người được coi là kiến trúc sư của thỏa thuận tạm thời giữa Trung Quốc và Vatican về việc bổ nhiệm các Giám Mục, về một biến cố khác tổ chức vào năm ngoái.

Sachs, vốn là một người ủng hộ Trung Hoa, có nhiều liên hệ với các định chế của nước này, vốn cố vấn cho Qũy Trung hoa Phát triển Nghiên cứu, một qũy nghiên cứu có bản doanh tại Bắc Kinh, nhằm cổ vũ việc cai trị và chính sách công cộng tốt đẹp để trợ giúp việc phát triển kinh tế và xã hội.

Mục đích đã được công bố của hội nghị này là lượng giá các thách thứ hoàn cầu theo viễn ảnh Trung Hoa và Ấn Độ như những cường quốc hoàn cầu đang vươn lên.

Triết gia Pozzo nói AsiaNews rằng, mục đích đó “giúp hiểu Trung Hoa và Ấn Độ theo quan điểm của họ”.

Có người sợ rằng hiểu Trung Hoa theo viễn ảnh của Trung Hoa có phải là hiểu Trung Hoa thật sự hay không. Thực vậy, Odd Arne Westad trên tạp chí Foreign Affairs, ngày 13 tháng 6, 2023, đặt câu hỏi: “What Does the West Really Know About Xi’s China? Why Outsiders Struggle to Understand Beijing’s Decision-Making?”[Tây phương thực sự biết gì về Trung Hoa của Tập? Tại sao người ngoại cuộc lao đao trong việc hiểu diễn trình ra quyết định của Bắc Kinh?] (https://www.foreignaffairs.com/china/what-does-west-really-know-about-xis-china)

Tìm hiểu việc các quyết định chính sách được đưa ra như thế nào trong các chế độ độc tài luôn luôn khó khăn. Winston Churchill có một câu nói nổi tiếng về việc hoạch định chính sách của Liên Xô là “một bí ẩn được bọc trong một bí ẩn bên trong một bí ẩn” – và ông đã không sai bao nhiêu. Các nhà quan sát ở phương Tây có thể thấy kết quả chính sách của Liên Xô, dưới thời Joseph Stalin hay Leonid Brezhnev, qua những gì các nhà lãnh đạo này nói công khai và cách họ hành động. Nhưng không dễ để tìm ra điều gì đang diễn ra bên trong chế độ của họ, bởi vì khả năng tiếp cận thông tin quá hạn chế và nỗi sợ hãi đã ngăn cản những người trong cuộc truyền đạt ngay cả những gì họ nghĩ rằng người bên ngoài nên biết. Mặc dù thỉnh thoảng có những đột phá về tình báo, nhưng việc hoạch định chính sách của Hoa Kỳ vẫn gặp khó khăn nghiêm trọng do thiếu hiểu biết về cách chính sách được thực hiện ở phía bên kia.

Một tình huống tương tự hiện đang hình thành đối với Trung Quốc. Những hiểu biết sâu sắc về quá trình ra quyết định ở Bắc Kinh khó có được hơn so với 50 năm trước. Lý do chính cho điều này là Đảng Cộng sản Trung Quốc độc đoán hơn và ít cởi mở hơn so với bất cứ thời điểm nào kể từ khi Mao Trạch Đông nắm quyền. Những người gần gũi với quyền lực sợ hãi hơn, và khả năng tiếp cận thông tin ít phổ biến hơn, ngay cả trong các cấp cao hơn của chế độ. Do đó, các nhà quan sát bên ngoài biết ít hơn nhiều so với những thập niên trước về cách các nhà lãnh đạo đảng đưa ra kết luận của họ liên quan đến chính sách đối ngoại. Người dân Trung Quốc vẫn chưa trải nghiệm được mức độ sợ hãi và bí mật như dưới thời Mao, nhưng họ đang tiến tới tình huống đó.

Vấn đề lớn đối với các nhà phân tích chính sách đối ngoại là tìm ra những gì họ có thể biết một cách chắc chắn về quá trình ra quyết định của Trung Quốc và những gì họ không thể biết. Và khi thiết lập nhận thức này, họ cần chú ý đến các lỗi phân tích thông thường, bao gồm các hình thức “phụ thuộc quá khứ” và hình ảnh phản chiếu. Điều trước liên quan đến niềm tin rằng các mô hình của quá khứ bằng cách nào đó sẽ được lặp lại trong hiện tại. Điều sau giả định rằng tất cả các chính phủ và tất cả các nền chính trị có xu hướng hoạt động theo cùng một cách, mặc dù trong các bối cảnh khác nhau. Một số tổng thống Hoa Kỳ đã giả định rằng quan điểm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc về thế giới sẽ thay đổi rất ít và do đó họ sẽ đưa ra các quyết định nhất quán với những quyết định trong quá khứ. Các nhà lãnh đạo khác của Hoa Kỳ đã cố gắng đối xử với đối tác Trung Quốc của họ như thể họ là thượng nghị sĩ của đảng chính trị đối lập hoặc đối tác kinh doanh miễn cưỡng. Những cách tiếp cận như vậy nói chung đã kết thúc rất tồi tệ.

QUYỀN LỰC CÓ MỤC ĐÍCH



Các nhà phân tích ở phương Tây biết gì về việc hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình? Họ biết rằng ở Trung Quốc, cũng như ở tất cả các nước lớn, chính sách đối ngoại trước hết là sự phản ảnh các ưu tiên trong nước. Tập đã dành thời gian tại vị của mình để cố gắng phá hủy tất cả các cơ sở quyền lực nội bộ ngoại trừ của chính ông ta. Ông ta muốn tập trung quyền lực xung quanh sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và quét sạch các phe phái trong đảng, các nhóm cấp tỉnh và các ông trùm kinh doanh có thể cản đường ông ta. Tập Cận Bình tin rằng ông ta cần những quyền lực như vậy vì một số lý do có liên quan với nhau. Ông tin vào chế độ độc tài và tin chắc rằng đó là một hình thức chính phủ ưu việt hơn chế độ dân chủ. Ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình, ông đã kết luận rằng những người tiền nhiệm của ông đã yếu kém và chính sự yếu kém của họ đã làm nảy sinh tình trạng hỗn loạn và tham nhũng trong nước, cũng như việc không sẵn sàng đứng lên bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài. Và ông coi Trung Quốc dưới sự cai trị của mình đã bước vào một kỷ nguyên mới đầy thắng lợi, những thành công của kỷ nguyên này đã khiến phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, cảnh cáo rằng những quốc gia này, vốn có bản chất thù địch với Trung Quốc, sẽ làm bất cứ điều gì để ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục gia tăng.

Hoa Kỳ đã cho các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiều lý do để sợ hãi sức mạnh của Hoa Kỳ và không tin tưởng vào ý định của Hoa Kỳ. Nhưng không chắc gì những hành động như vậy, dù được cố vấn không tốt, đã khiến Tập trở thành một người độc tài lên đường thay đổi sâu sắc con đường phát triển của đất nước mình. Tập đã khảo sát con đường xuyên suốt thời kỳ cải cách của Trung Quốc kể từ những năm 1970 và nhận thấy nhiều điều mà ông không thích, đặc biệt là sự phân tán quyền lực về kinh tế, địa lý và định chế. Tất nhiên, ông không phàn nàn về tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội của Trung Quốc, nhưng ông muốn sự tăng trưởng đó phục vụ một mục đích chứ không chỉ đơn thuần là làm giàu cho một số người. Mục tiêu của Tập trong thập niên qua là ban hành một mục đích như vậy, mục đích được ông tin rằng nằm trong quá trình tái tập trung hóa, củng cố quyền lực của đảng và đối đầu với Hoa Kỳ. Tất cả các sáng kiến quan trọng của ông, chẳng hạn như Vành đai và Con đường, Giấc mơ Trung Hoa và Chủ nghĩa Xã hội Đặc sắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới, đều được thực hiện để phục vụ mục tiêu này.

Rất khó để nói mục đích của Tập trùng khớp với quan điểm của giới tinh hoa Đảng Cộng sản Trung Quốc như thế nào, chưa kể đến toàn bộ dân chúng. Có chút nghi ngờ rằng những lo ngại của ông về tham nhũng và quản lý lỏng lẻo đã được nhiều người Trung Quốc chia sẻ vào đầu những năm 2010. Sự khinh miệt mà những người Trung Quốc mới giàu có đối xử với các quan chức cũng như người dân thường chắc chắn sẽ tạo ra sự oán giận và cay đắng. Hình ảnh “Xi Dada” (đại khái là “Bố Tập vĩ đại”) trong vai một vị hoàng đế nhân dân sẵn sàng trừng phạt tham nhũng và làm cho các nhà lãnh đạo kinh doanh cao ngạo phải khiêm tốn là một hình ảnh thực sự phổ biến, ít nhất là trong một thời gian. Mãi cho đến khi ông Tập phản ứng thái quá với đại dịch COVID-19, công chúng mới bắt đầu đặt ra những câu hỏi hóc búa hơn về ý định của ông. Tuy nhiên, lúc đó đã quá muộn; Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực của mình trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, và đảng đã mở rộng phạm vi hoạt động ra xã hội sâu rộng hơn bất cứ thời điểm nào kể từ thời đại Mao. Đàn áp và giám sát hiện đang diễn ra ở khắp mọi nơi, mặc dù ít người mong đợi sự quay trở lại các trại lao động và hành quyết hàng loạt của những năm 1950 và 1960. Nhưng các điều kiện hiện tại khác xa so với kỷ nguyên tương đối tự do kéo dài từ cái chết của Mao vào năm 1976 cho đến khi Tập trỗi dậy.

AI LÀ AI CỦA BẮC KINH

Lý do tại sao Tập có thể tiến hành việc đánh giá lại toàn bộ các chính sách của mình và đặt ra các mục đích mới mà không cần bất cứ hình thức thảo luận nào, ngoại trừ ở các cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc thiếu đa nguyên chính trị và thiếu dân chủ ở bên trong đảng. Tập, trong tư cách tổng bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc, có quyền lực vô hạn đối với tổ chức của đảng vì nguyên tắc “tập trung dân chủ” kế thừa từ Lenin và Stalin, qua Mao. Khi một quyết định được đưa ra ở trung ương đảng—về lý thuyết là do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nhưng trên thực tế là do Tập và những người thân cận chặt chẽ của ông ta thực hiện—các đảng viên ở tất cả các cấp có một nhiệm vụ: tuân theo chỉ thị và thực hiện chúng. Trong những năm 1990 và thập niên đầu tiên của thế kỷ này, các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố rằng không cần phải thay đổi những cấu trúc này, bởi vì những thực hành tự do hơn đã ăn sâu vào lòng những người trung thành với đảng. Họ đã không nhận ra, hoặc từ chối suy nghĩ về sự thật hiển nhiên rằng một tổng bí thư có thể sử dụng toàn bộ quyền hạn của vị trí đó để xóa bỏ bất cứ dấu vết nào của chủ nghĩa tự do trong đảng. Phong cách ra quyết định của Tập Cận Bình là một trong những hậu quả của sự thất bại trong trí tưởng tượng này.

Trong gần 40 năm qua, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã muốn cân bằng quyền lực của bộ máy đảng với quyền lực của các cơ quan chính phủ, vốn đại diện cho cả nước, bao gồm 93% dân số không phải là đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ít nhất là trên lý thuyết. Đảng luôn là trung tâm quyền lực. Nhưng việc đa dạng hóa các cách thức trong đó những người dân bình thường tiếp xúc với nhà nước đã giúp tạo ra cảm thức công bằng và cân bằng. Nó cũng làm tăng tính hợp pháp của đảng. Người ta có thể làm cho người ngoài cuộc tin rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc gần giống như một đảng chính trị đặc trưng cầm quyền hơn là một tổ chức cách mạng chinh phục được đất nước bằng vũ lực. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc thường xuất hiện trước công chúng không chỉ với tư cách là nhân vật của đảng mà còn với tư cách là quan chức chính phủ. Và các nhà lý luận chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu thảo luận về vai trò hạn chế hơn và được xác định rõ ràng hơn của đảng trong hệ thống chính quyền Trung Quốc, bao gồm các thử nghiệm về sự tham gia chính trị ở cấp cơ sở và các cuộc bầu cử không chính thức [straw vote] cho các vị trí lãnh đạo cấp thấp hơn.

Tập đã đảo ngược tất cả những điều trên. Giờ đây, các tổ chức đảng và các ủy ban của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc được ưu tiên hơn các tổ chức đại diện cho chính phủ. Một số hội đồng cấp cao nhất về chính sách kinh tế, kế hoạch, quân sự và các vấn đề chiến lược đã thay đổi từ chủ yếu phục vụ Hội đồng Nhà nước, chính quyền trung ương của Trung Quốc, sang hầu như chỉ làm việc cho Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Quân ủy Trung ương, cơ quan chỉ đạo tất cả các lực lượng vũ trang của Trung Quốc, luôn được lãnh đạo cao cấp nhất của đảng đứng đầu. Nhưng bây giờ nó được gọi một cách công khai là “Ủy ban Quân sự Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc” thường xuyên hơn nhiều so với “Ủy ban Quân sự Trung ương của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Đôi khi, các quy ước đặt tên kiểu chính phủ trước đó được giữ lại để sử dụng bên ngoài. Cục quản lý không gian mạng của Trung Quốc, một tổ chức chính phủ, trên thực tế là “Ủy ban các vấn đề về không gian mạng trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Và các văn phòng của Quốc vụ viện Đài Loan và Hồng Kông giống hệt với “văn phòng làm việc” của Ban Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc xử lý với cùng những khu vực này.

Các nhà lãnh đạo đảng cho thấy rõ rệt sự kết hợp giữa ngạo mạn và sợ hãi.

Xu hướng nhấn mạnh quyền lực của đảng này có lẽ dễ thấy nhất trong các vấn đề an ninh quốc gia. Dưới thời Tập Cận Bình, Ủy ban Trung ương An ninh Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã trở thành cơ quan chủ chốt giải quyết mọi vấn đề đối ngoại và an ninh, thường đưa ra Bộ Chính trị các đề xuất sẵn sàng cho các quyết định. Trong một số trường hợp, ủy ban đề xuất các chính sách trực tiếp với Tập, thông qua văn phòng tổng bí thư, mà không thông qua Bộ Chính trị. Mặc dù các ủy ban trung ương đảng khác giải quyết các vấn đề quốc tế vẫn giữ một số ảnh hưởng của họ, nhưng giờ đây họ rõ ràng là cấp dưới của ủy ban về các vấn đề hàng ngày. Ủy ban Đối ngoại Trung ương, do cựu Bộ trưởng Ngoại giao và đương kim Ủy viên Bộ Chính trị, Vương Nghị, đứng đầu, chủ yếu giải quyết chính sách đối ngoại ở cấp chiến lược và không họp, kể cả ở cấp đại biểu, với bất cứ điều gì như tần suất của ủy ban an ninh.

Điểm nổi bật mới của Ủy ban Trung ương An ninh Quốc gia của đảng, một phần, là phản ứng đối với danh sách phức tạp và khó hiểu của các tổ chức đảng và chính phủ góp phần vào việc hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Những người trong cuộc ở Bắc Kinh vẫn liệt kê 18 hoặc 19 tổ chức khác nhau, ít nhất là trên giấy tờ, có quyền đề xuất các chính sách với Bộ Chính trị (với Bộ Ngoại giao ở giữa danh sách đó về mặt ảnh hưởng). Nhưng mặc dù một số tập trung hóa có thể không thể tránh khỏi, nhưng đây là tập trung hóa với các đặc điểm của Tập Cận Bình. Mục đích dường như là khiến tất cả các cơ quan an ninh quốc gia khác phải phục tùng một ủy ban, qua đó Tập có thể thực thi quyền lực của mình.

Do đó, biết ai phục vụ trong Ủy ban Trung ương An ninh Quốc gia là vô cùng quan trọng để hiểu cách hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Thành phần đầy đủ của ủy ban và các nhân viên chủ chốt của nó là một điều bí mật. Nhưng hình ảnh một phần thì có sẵn. Không ngạc nhiên khi Tập làm chủ tịch Ủy ban, với Thủ tướng Lý Cường và Chủ tịch Quốc hội Zhao Leji là các phó chủ tịch của ông. Lãnh đạo cấp thứ tư của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Vương Hỗ Ninh, cũng là một thành viên, và theo các nguồn tin ở Bắc Kinh, Vương – người khởi nghiệp là một chuyên gia đối ngoại – có lẽ là nhân vật có ảnh hưởng nhất sau chính ông Tập. Cai Qi, chánh văn phòng của Tập, người đã phục vụ trong Ủy ban Trung ương An ninh Quốc gia kể từ khi thành lập, điều phối công việc hàng ngày của nó, với sự hỗ trợ của cấp phó Liu Haixing. Liu là con trai của Liu Shuqing, một nhà ngoại giao và sĩ quan tình báo, người đã thành lập tổ chức tiền thân của Ủy ban Trung ương An ninh Quốc gia vào những năm 1990. Liu Jianchao, giám đốc Ban Liên lạc Quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và phó của ông ta là Guo Yezhou là những thành viên có ảnh hưởng, vì ban của họ đã cung cấp nhiều nhân viên cho ban. Dưới thời Tập Cận Bình, các thành viên Bộ Chính trị Vương Nghị, Trần Văn Thanh và Tướng Trương Hữu Hà lần lượt phục vụ trong ủy ban với tư cách là các nhà lãnh đạo cấp cao về đối ngoại, an ninh và tình báo quốc gia, và các nhà lãnh đạo quân sự. Mặc dù họ xếp hạng thấp hơn các cơ quan quan trọng nhất trong lĩnh vực của họ, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương và Bộ trưởng Quốc phòng Li Shangfu được biết đến là những người được ông Tập lắng nghe và họ có thể có nhiều ảnh hưởng đến Ủy ban Trung ương An ninh Quốc gia hơn những người tiền nhiệm của họ khi họ giữ các chức vụ này. Thật đáng lưu ý, về các ưu tiên, chuyên môn của Tần là làm thế nào để trình bày chính sách đối ngoại của Trung Quốc ở nước ngoài. Và Li, được đào tạo như một kỹ sư hàng không vũ trụ, có sự nghiệp giải quyết các vấn đề về không gian và mạng.

ĐÓ LÀ THẾ GIỚI CỦA TẬP

Tập Cận Bình từng áp dụng một khái niệm an ninh quốc gia rộng lớn hơn nhiều so với những người tiền nhiệm của ông. Ủy ban Trung ương An ninh Quốc gia có các nhóm làm việc về an ninh hạt nhân, an ninh mạng và an ninh sinh học. Nhưng nó cũng có các nhóm nhỏ thiết lập chính sách cho các mối đe dọa khủng bố và an ninh nội bộ. Các lĩnh vực tập trung mới của nó là điều được nó gọi là “an ninh ý thức hệ” và “an ninh danh tính”. An ninh ý thức hệ đề cập đến nỗi sợ hãi của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc về những gì họ coi là “các cuộc cách mạng màu” do Hoa Kỳ xúi giục ở các quốc gia khác. An ninh danh tính rộng hơn nhiều. Nó bao gồm việc làm thế nào để xây dựng một hình ảnh yêu nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc và làm thế nào để người dân Trung Quốc đánh đồng những lời chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc với những lời chỉ trích Trung Quốc và dân tộc Trung Hoa. Nói cách khác, an ninh quốc gia liên quan nhiều đến chính trị trong nước cũng như liên quan đến các vấn đề quốc tế và liên quan đến trái tim và khối óc của người dân Trung Quốc cũng như về sự sẵn sàng quân sự và các loại vũ khí mới.

Người ta ít nghi ngờ việc Tập sử dụng khái niệm quốc gia mở rộng, giống như ông đã sử dụng chiến dịch chống tham nhũng của mình, để kiểm soát những gì các nhà lãnh đạo đảng khác nói và làm. Ông thường đưa ra những lời chỉ trích kín đáo đối với các cựu lãnh đạo, bao gồm cả Đặng Tiểu Bình và các nhà cải cách ban đầu khác, vì đã không làm đủ để đảm bảo an toàn cho Trung Quốc và vì đã không đứng lên bảo vệ lợi ích của Trung Quốc. Thông điệp, rất rõ ràng trong cuộc bầu cử chưa từng có tiền lệ của Tập vào nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba, là chỉ Tập mới có thể đánh bại các mối đe dọa mà Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc phải đối đầu.

Khi nhìn thấy các mối đe dọa an ninh ở khắp mọi nơi, các nhà lãnh đạo đảng đã bộc lộ rõ ràng sự kết hợp giữa ngạo mạn và sợ hãi. Mặc dù họ tin rằng tương lai thuộc về họ, nhưng họ sợ bị lật đổ trong nước. Phong cách hiếu chiến và đối đầu của Tập hoàn toàn phù hợp với tình thế tiến thoái lưỡng nan này. Tập Cận Bình đã trở thành người bảo đảm an ninh cho Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như cho nhiều người Trung Quốc coi thế giới bên ngoài là mối đe dọa. Hầu hết các quan chức đang cố gắng áp dụng phong cách của ông và hướng tới những gì họ hiểu—không phải lúc nào cũng rõ ràng—như mục tiêu của ông.

Nỗi sợ hãi lớn nhất của chính Tập chắc hẳn là việc ông ta đang lãnh đạo sự suy thoái đang xuất hiện của đất nước mình.

Lời nói rất quan trọng trong chính trị Trung Quốc. Sự nhấn mạnh đặc biệt vào vai trò cá nhân của Tập, chưa từng thấy kể từ khi Mao được sùng bái như thần thánh, không chỉ cho thấy mức độ quyền lực của ông ta mà còn cả mức độ mà đảng bám vào sự lãnh đạo của ông ta nữa. Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc nói suông về “địa vị của Đồng chí Tập Cận Bình là cốt lõi của Ban Chấp hành Trung ương đảng và của toàn đảng” hoặc về “vai trò chỉ đạo của Tư tưởng Tập Cận Bình,” thì nó đã phơi bày một số sự không chắc chắn và bất an của chính nó. Ngày nay, ngay cả tăng trưởng kinh tế cũng không quan trọng bằng quyền lực của đảng. Thí dụ, kiểm soát các công ty lớn là cần thiết ngay cả khi nó dẫn đến việc các công ty này làm việc ít năng suất và lợi nhuận hơn. Không có gì ngạc nhiên khi một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu coi thời kỳ cải cách là một trò lừa bịp khổng lồ theo mô hình Chính sách kinh tế mới của Lénin ở Liên Xô: đối với họ, có vẻ như đảng đã cho phép doanh nghiệp tạo ra của cải chỉ để tịch thu nó. Nhiều người giàu muốn rời khỏi Trung Quốc, ít nhất là vào lúc này.

Nỗi sợ hãi lớn nhất của chính Tập chắc hẳn là thay vì chủ trì sự thăng tiến không thể tránh khỏi của Trung Quốc, ông ta đang chủ trì sự suy thoái đang xuất đầu lộ diện của đất nước mình. Nền kinh tế đang hoạt động không tốt dưới tác động gấp ba lần của sự can thiệp không cần thiết và không thể đoán trước của chính phủ, hậu quả của COVID-19 và tỷ lệ đầu tư giảm, cả trong nước lẫn ở nước ngoài. Trong khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã góp phần gây ra xung đột ngoại giao nghiêm trọng với tất cả các thị trường chính của Trung Quốc ở Úc, Nhật Bản, Châu Âu và Bắc Mỹ. Và đất nước đang phải đối mặt với sự suy giảm nhân khẩu học ở quy mô và tốc độ chưa từng thấy trước đây trong kỷ nguyên hiện đại. Tất cả những điều này hẳn khiến Tập lo sợ rằng thay vì trở thành một Stalin hay Mao của thế kỷ 21, ông có thể trở thành Brezhnev của Trung Quốc, xúc tác cho sự xói mòn dần dần các giá trị mà ông yêu quý.

Những người quan sát chỉ có thể nhìn thấy những đường nét bên ngoài trong tư duy của Tập. Nhiều thứ khác là không thể biết được. Chẳng hạn, không thể nói Tập chắc chắn đến mức nào trong các đánh giá của ông về chính trị quốc tế. Người ngoài cuộc không biết chắc quân đội và các cơ quan tình báo có ảnh hưởng như thế nào đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Nhiều người ở phương Tây cho rằng phong cách hiếu chiến của các nhà ngoại giao Bắc Kinh xuất phát từ nhu cầu thể hiện sức mạnh và mục đích mới hình thành của Trung Quốc cũng như sự vượt trội của tài lãnh đạo của Tập Cận Bình. Nhưng vẫn chưa rõ chủ nghĩa dân tộc cực đoan quan trọng như thế nào đối với phong cách này, và do đó liệu nó có nhất thiết phải là một yếu tố lâu dài trong quá trình ra quyết định của Trung Quốc hay không. Và quan trọng nhất đối với chính sách của Hoa Kỳ, các nhà phân tích ở phương Tây không biết thời biểu của Tập dành cho các mục tiêu có vẻ bề ngoài của ông ta, chẳng hạn như sáp nhập Đài Loan hoặc đạt được ưu thế quân sự ở Đông Á và Tây Thái Bình Dương.

Tập được cho là thích trích dẫn hai câu nói nổi tiếng nhất của Mao, cả hai đều được tìm thấy trong Sách Đỏ Nhỏ. Câu thứ nhất nói: “Mọi quan điểm đánh giá quá cao sức mạnh của kẻ thù và đánh giá thấp sức mạnh của nhân dân đều sai lầm. Trích dẫn thứ hai thậm chí còn rõ ràng hơn. “Có hai luồng gió trên thế giới ngày nay, gió đông và gió tây,” Mao nói với Liên Xô vào năm 1957. “Hoặc là gió đông thắng gió tây hoặc gió tây thắng gió đông. Tôi tin rằng đặc điểm của tình hình ngày nay là gió đông đang thịnh hành hơn gió tây”. Tập có vẻ đồng ý. Nhưng rõ ràng ông ta cần một đội quân dự báo thời tiết đông đảo để cho ông ta biết chính xác hướng gió thổi.