Tom Hoopes [https://aleteia.org/2023/07/03/a-doctor-of-the-church-influenced-declaration-of-independence], cựu chủ bút National Catholic Register, nhân ngày Độc lập 4 tháng 7, 2023, trên tờ Aleteia, đặt câu hỏi: ngày 4 tháng 7 có phải là một ngày tốt cho đức tin Công Giáo hay không. Dựa vào Học giả Công Giáo Karl Maurer và một phân tích mới đây của Tiến sĩ Kevin Vance thuộc Cao đẳng Benedictine ở Atchison, Kansas, ông đưa ra 3 điểm đáng lưu ý sau đây liên quan đến ảnh hưởng Công Giáo đối với Hoa Kỳ ngay những ngày đầu tiên của quốc gia:



Thứ nhất, một vị Tiến sĩ Hội thánh đã cung cấp nhiều ý niệm làm nền tảng cho các nguyên tắc thiết lập ra Hoa Kỳ. Ngày Độc lập là ngày kỷ niệm nước Mỹ vứt bỏ sự cai trị của một vị vua. Chúng ta lấy ý tưởng từ đâu để có thể làm được điều đó? Vance đã chia sẻ vai trò hấp dẫn của Thánh Robert Bellarmine, Tiến sĩ Giáo hội, trong việc phát triển các lập luận chống lại nguyên tắc thần quyền của các vị vua.

Các lập luận do học giả Dòng Tên người Ý này đưa ra đã được Thomas Jefferson, James Madison và những người khác tham khảo. Ngài lập luận chống lại thần quyền của các vị vua, nói rằng có nhiều hình thức chính phủ hợp pháp, nhưng hình thức chính phủ được chọn phải được thành lập với sự đồng ý của những người bị trị.

Học giả Công Giáo Karl Maurer đã chia sẻ sự so sánh song song giữa những lời của Thánh Robert Bellarmine và những lời của Tuyên ngôn Độc lập do Cha John Rager đưa ra.

Thánh Bellarmine nói: “Quyền lực chính trị bắt nguồn từ Thiên Chúa.” Tuyên ngôn nói: chúng ta “được Tạo hóa ban cho một số quyền bất khả nhượng”.

Thánh Bellarmine nói: “Trong khối thịnh vượng chung, mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng một cách tự nhiên.” Tuyên ngôn nói: “Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng.”

Thánh Bellarmine nói: “Vì lý do chính đáng, người dân có thể thay đổi chính phủ thành chế độ quý tộc hoặc chế độ dân chủ hoặc ngược lại.” Tuyên ngôn nói: “Bất cứ khi nào bất cứ hình thức chính phủ nào trở nên phá hoại những mục tiêu này, thì Quyền của Nhân dân là thay đổi hoặc bãi bỏ nó và thành lập một chính phủ mới.”

Tư tưởng Công Giáo đã ảnh hưởng đến việc thành lập nước Mỹ và các nhà tư tưởng Công Giáo đã nâng đỡ nó sau đó.

Thứ hai, Vance nói, một hội đồng toàn thể năm 1893 gồm các giám mục Hoa Kỳ đã phân biệt điều tốt và điều xấu trong các nguyên tắc sáng lập của Hoa Kỳ.

Trong khi các nhà lãnh đạo Giáo hội nhìn thấy sự nguy hiểm trong một số yếu tố ảnh hưởng đến sự thành lập của chúng ta, họ cũng nhìn thấy sức mạnh của truyền thống luật tự nhiên của chúng ta.

Công đồng Baltimore cho biết: “Chúng ta coi việc thiết lập nền độc lập của đất nước chúng ta, việc định hình các quyền tự do và luật pháp của nó là công việc của Ơn Quan Phòng đặc biệt, những người lập ra nó 'xây dựng khôn ngoan hơn họ biết', có bàn tay của Đấng Toàn năng hướng dẫn họ.”

Các giám mục thậm chí còn tán thành một cách rõ ràng việc kỷ niệm ngày thành lập nước Mỹ, nói rằng chúng ta “phải giữ vững và củng cố các quyền tự do của đất nước chúng ta bằng cách giữ cho những ký ức cao quý của quá khứ luôn tươi mới và do đó gửi từ các gia đình Công Giáo của chúng ta vào đấu trường của đời sống công cộng không phải là những người theo đảng phái mà là những người yêu nước.”

Thứ ba, Vance nói, các giáo hoàng đã chia sẻ sự ngưỡng mộ to lớn của các ngài đối với các nguyên tắc sáng lập của nước Mỹ.

Khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên vào năm 1979, trong vòng một năm sau khi trở thành giáo hoàng, ngài đã nhân cơ hội này ca ngợi Tuyên ngôn Độc lập, nói rằng, “Trong các giá trị nhân bản và dân chính chứa đựng trong tinh thần của Bản Tuyên ngôn này, người ta dễ dàng nhận ra các mối liên kết mạnh mẽ với các giá trị tôn giáo và Kitô giáo căn bản.”

Ngài gọi các Nguyên tắc Sáng lập của Hoa Kỳ là “một thách thức cao quí đối với tất cả các thế hệ tương lai của Hoa Kỳ.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đưa ra quan điểm tương tự vào năm 2015 khi nói rằng: “Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố rằng tất cả đàn ông và đàn bà sinh ra đều bình đẳng, họ được Tạo hóa ban cho những quyền bất khả chuyển nhượng, và các chính phủ hiện hữu để bảo vệ và bênh vực những quyền đó. Những lời vang dội đó tiếp tục truyền cảm hứng cho chúng ta ngày nay, ngay cả khi chúng đã truyền cảm hứng cho các dân tộc trên khắp thế giới đấu tranh cho quyền tự do được sống phù hợp với phẩm giá của họ.”

Karl Maurer: Ảnh hưởng của Thánh Robert Bellarmine đối với việc soạn thảo Tuyên Ngôn Độc Lập

Chúng tôi chuyển ngữ toàn bộ bài báo của Karl Maurer về ảnh hưởng của Thánh Bellarmine đối với việc soạn thảo Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ (nguyên văn xin đọc ở đây https://www.catholicculture.org/culture/library/view.cfm?id=6607)



Khi ngày 4 tháng 7 đến gần và quốc gia chuẩn bị kỷ niệm các quyền tự do cá nhân mà tổ tiên của chúng ta đã đặt ra cho chúng ta hai thế kỷ trước, những cái tên như Adams, Jefferson, Hamilton, Madison và Washington được ca ngợi một cách xứng đáng vì những đóng góp của họ cho nền tự do của chúng ta. Nhưng hầu hết người Công Giáo không biết các tác phẩm của Thánh Robert Bellarmine, SJ, (1542-1621) đã ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển các quyền của chúng ta, và ảnh hưởng này gián tiếp đến qua một trong những người bảo vệ chính của điều gọi là Thần Quyền của các vị vua, Robert Filmer.

Ở hầu hết các trường cao đẳng và trung học ở Mỹ, sự phát triển của luật Hiến pháp bắt đầu từ Hy Lạp và La Mã cổ thời dẫn đến các triết lý của Algernon Sydney (người bị xử tử vì tội phản quốc năm 1683) và John Locke. Không thể phủ nhận rằng Thomas Jefferson, tác giả của Tuyên ngôn Độc lập và George Mason, tác giả của Tuyên ngôn về Quyền của Virginia, đã rất quen thuộc với các học giả cổ điển và đương thời kể từ Aristốt trở đi. Và không phải là vô lý khi kết luận rằng họ quen thuộc với những nhà văn phản đối chủ quyền nhân dân và bảo vệ quyền lực tuyệt đối của các vị vua.

Một trong những cuốn sách như vậy được tìm thấy trong thư viện cá nhân của Jefferson (nay nằm trong Thư viện Quốc hội) là cuốn Patriarcha[Tổ phụ], của nhà thần học Thệ phản Robert Filmer, nhà thần học cung đình của Vua James I. Đây là một chuyên luận bảo vệ Thần Quyền của các vị vua, mà Jefferson rõ ràng là đã đọc vì lề của cuốn sách đầy những ghi chú của ông. (Tiêu đề đầy đủ của cuốn sách thực ra là Patriarcha: The Naturall Power of Kinges Defended Against the Unnatural Liberty of the People, By Arguments, Theological, Rational, Historical and Legall [Tổ phụ: Quyền lực tự nhiên của các vị vua được bảo vệ chống lại quyền tự do phi tự nhiên của nhân dân, bằng các lập luận, thần học, hợp lý, lịch sử và pháp lý]. Tất cả các tài liệu tham khảo đều thuộc ấn bản Cambridge Press năm 1991.)

Khía cạnh đáng lưu ý nhất của Patriarcha theo quan điểm Công Giáo là những trang đầu tiên đã làm mất uy tín và tấn công các bài viết của Thánh Robert Bellarmine, một trong những người bảo vệ tự do hùng hồn và sung mãn nhất mà Giáo Hội Công Giáo từng tạo ra. Theo thông lệ, các nhà văn giải quyết các tranh cãi về chính trị và tôn giáo bắt đầu cuốn sách của họ bằng cách trình bày kẻ thù của họ như một phản đề, trong trường hợp của Filmer là quan điểm của Thánh Bellarmine rằng quyền lực chính trị được trao cho người dân và các vị vua không cai trị bằng Thần quyền, nhưng thông qua sự đồng ý của người bị cai trị. Đây là một ý tưởng cấp tiến vào đầu những năm 1600, mặc dù ngày nay nó được chấp nhận rộng rãi.

Trong Patriarcha, Filmer trích dẫn trực tiếp Thánh Bellarmine như sau: "Chính quyền thế tục hoặc Dân sự (ông ấy nói) 'được thiết lập bởi con người; nó ở trong nhân dân trừ khi họ ban nó cho một Hoàng tử. Quyền lực này nằm cận kề trong Quần Chúng [Multitude], như trong chủ thể của nó; vì Quyền lực này nằm trong Thiên Luật, nhưng Thiên Luật không trao quyền này cho bất cứ con người đặc thù nào. Nếu Luật thực định (positive law) bị lấy đi, thì không còn lý do nào nơi quần chúng (những người bình đẳng) để người này thay vì người khác có thể cai trị mọi người khác. Quyền lực được trao cho quần chúng, cho một người, hoặc cho nhiều người hơn, bởi cùng một Định luật Tự nhiên; vì Khối thịnh vượng chung không thể thực thi Quyền lực này, do đó, nó nhất định phải trao nó cho một người hoặc một số người Rất ít. Tùy thuộc vào sự đồng thuận của quần chúng để tấn phong cho họ một vị vua hoặc các quan tòa khác, và nếu có lý do hợp pháp, quần chúng có thể thay đổi Vương quốc thành một nền quý tộc hoặc dân chủ' (Robert Bellarmine, Quyển 3 De Laicis [về các thường dân], Chương 4). Cho đến nay vẫn là trích dẫn Bellarmine; trong các đoạn bao gồm này, sức mạnh của tất cả những gì tôi đã đọc hoặc nghe, được tạo ra cho Quyền Tự do Tự nhiên của thần dân." (Patriarcha, trang 5.)

Hãy tưởng tượng những gì Jefferson hẳn đã nghĩ khi ông đọc những đoạn mở đầu của Patriarcha, một cuộc tấn công trực tiếp vào nền học giả Công Giáo La Mã của Thánh Bellarmine:

"Kể từ thời điểm nền thần học học đường (tức là các trường đại học Công Giáo) bắt đầu phát triển, đã có một ý kiến chung được duy trì bởi các nhà thần học cũng như bởi các người tìm tòi [divers] của những người có học khẳng định: 'Loài người tự nhiên được phú bẩm và sinh ra được tự do, thoát khỏi mọi sự khuất phục, và được tự do lựa chọn hình thức chính phủ mà mình muốn, và quyền lực mà bất cứ người nào có đối với người khác trước hết là bởi nhân quyền ban tặng theo quyết định của đa số.' Nguyên lý này lần đầu tiên được ủ ấp trong (các trường Đại học Công Giáo La Mã thời Trung cổ), và đã được tất cả phe duy giáo hoàng kế nhiệm phát huy cho nền thần học tốt đẹp. Các nhà thần học của cả các Giáo Hội cải cách cũng ủng hộ nó, và người dân thường khắp nơi cũng âu yếm tiếp nhận nó như có giá trị nhất đối với con người có máu có thịt, vì nó rộng rãi phân phối một phần tự do cho những người thấp hèn nhất trong quần chúng, những người tán dương tự do như thể đỉnh cao của hạnh phúc con người chỉ được tìm thấy trong đó - không bao giờ nhớ rằng khao khát tự do là nguyên nhân của sự sụp đổ của Ađam."

Chắc chắn Jefferson, sau khi đọc Filmer, hẳn đã có ấn tượng trước định nghĩa của Bellarmine về tự do cá nhân và chủ quyền nhân dân. Nó có thể gây ngạc nhiên cho một số người, nhưng một phân tích gần hơn các trước tác của Bellarmine và lịch sử Giáo Hội Công Giáo sẽ chứng minh rằng kể từ năm 1200 sau Công nguyên, Giáo Hội Công Giáo đã bảo vệ các quyền và tự do cá nhân, điều này cuối cùng dẫn đến việc bãi bỏ chế độ nô lệ, chế độ nông nô và sự trỗi dậy của chủ quyền nhân dân có hại cho các vị vua chuyên chế và quý tộc độc tài.

Đối với câu hỏi liệu hình thức chính phủ đương thịnh - chế độ quân chủ - có được thần thánh bảo vệ và tuyệt đối hay không, Thánh Bellarmine cho rằng hình thức chính phủ tốt nhất thực sự là "sự kết hợp" giữa chế độ quân chủ, quý tộc và dân chủ. Mặc dù không phổ biến vào thời điểm đó, nhưng ngài đã bảo vệ những nguyên tắc này, mà ngày nay chúng ta coi là nền tảng của quá trình dân chủ của chúng ta.

Các bài viết đồ sộ về chính trị của Bellarmine tiết lộ niềm tin của ngài rằng mỗi một trong ba hình thức chính phủ - quân chủ, quý tộc và dân chủ - đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, nhưng ngài nhấn mạnh rằng bất cứ "sự kết hợp" nào được người dân chấp nhận phải là "hữu ích nhất" đối với họ. Chế độ quân chủ, hay quyền lực tuyệt đối được trao cho một vị vua, hữu ích nhất trong thời kỳ biến động và bất ổn. Trong những trường hợp như vậy, có thể đó là cách duy nhất để người dân duy trì các quyền và đặc ân của họ, nhưng điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa thích các vị vua hơn chỉ vì có sự hỗn loạn trên trái đất. Bellarmine ngưỡng mộ tầng lớp quý tộc vì những đặc tính phân phối của nó, trong đó những người tốt nhất được ban cho quyền cai trị dựa trên thành tích của họ. Sự tiêu tán quyền lực này cũng có thể là một bất lợi và có thể dẫn đến hận thù truyền kiếp (feuding) hoặc chế độ đầu sỏ [oligarchy]. Trớ trêu thay, Bellarmine nhìn thấy ở Dân chủ một hình thức chính phủ tiềm năng thì tốt, nhưng lại cảnh cáo rằng một cách tiếp cận đơn giản hoặc thuần túy đối với nó sẽ dẫn đến chế độ quần chúng trị [mob-ocracy]. Ngài thường trích dẫn lời của Platông, người từng nói, "Ai có thể hạnh phúc khi sống dưới ý chí độc đoán của đám đông?"

Chính phủ tốt, bất kể dưới hình thức nào, đều có một số đặc điểm riêng biệt. "Tài sản đầu tiên của chính phủ tốt là trật tự. Sự phối hợp càng tốt, chính phủ càng tốt." Thánh Bellarmine nhận thấy chế độ quân chủ là tốt nhất để đảm bảo trật tự, bởi vì không có sự bất đồng giữa một người duy nhất cai trị, là nhà vua. Không phải ngẫu nhiên ngài tìm thấy trật tự lớn nhất trong Giáo hội phẩm trật Công Giáo, và hệ thống chỉ huy bắt nguồn từ Giáo hoàng. Thánh Bellarmine tìm thấy trật tự trong tầng lớp quý tộc, nhưng chỉ tới mức mọi người sẵn sàng phục tùng quyền lực của cấp trên. Hình thức chính phủ ít có khả năng bảo đảm trật tự nhất là chế độ dân chủ, "trong đó mọi công dân đều có điều kiện và thẩm quyền như nhau." Các thuộc tính khác của chính phủ tốt được xác định trong các bài viết của Thánh Bellarmine là hòa bình, sức mạnh, sự ổn định, quyền lực và khả năng hành động.

Trong De Laicis De Romanie Pontificus Ecclesiastica Monarchia [Về chế độ quân chủ trong Giáo Hội của Giám Mục Rôma], Thánh Bellarmine gợi ý rằng sự kết hợp giữa quyền lực của nhà vua và tầng lớp quý tộc là con đường hợp lý nhất để dẫn đến một chính phủ tốt. "Với sự hỗ trợ của những con người giỏi nhất của đất nước, vị quân chủ có thể thu lượm được sự cố vấn khôn ngoan. Vì một người không thể giám sát tất cả các bộ phận của nhà nước để thực hiện mọi nhiệm vụ của mình, để có mọi kiến thức, mọi thận trọng, mọi khôn ngoan, mọi tầm nhìn xa, mọi lời khuyên và phán đoán tốt nhất, vì thế (nên có) sự phân bổ quyền lực."

"Những người đứng đầu nhỏ này không nên được coi là đại diện hay chỉ là đại diện của một người đứng đầu tối cao (nhà vua), nhưng trong lãnh thổ của họ, họ là những người đứng đầu thực sự và tối cao. Chỉ trong một số quy định chung có tầm quan trọng quốc gia, họ mới tùng phục thẩm quyền cao hơn vì mục đích thống nhất, trật tự, sức mạnh và hợp tác. Các chi tiết nhỏ trong việc quản trị của họ, họ phải tự giải quyết theo điều kiện và nhu cầu của địa phương. Một hệ thống như vậy được tính toán để phát triển sự quan tâm, sáng kiến, tính độc đáo và tự phát biểu nhiều hơn."

Không bỏ qua nền Dân chủ, Thánh Bellarmine cho rằng không có việc qui định nào có thể xảy ra ngay từ đầu trừ khi nó được sự đồng ý của những người bị cai trị. Trong De Laicis, chúng ta thấy, "nếu người đứng đầu tối cao và những người đứng đầu thứ yếu giành được chức vụ không phải do cha truyền con nối mà do sự đồng ý của người dân, thì nền Dân chủ cũng tìm được sự đại diện của mình trong hình thức chính phủ hỗn hợp này." Thánh Bellarmine viết rằng sự đồng ý của người dân là cần thiết trước tiên để trao quyền lực chính trị hợp pháp cho bất cứ nhà cai trị đặc thù nào. Ngài nói rằng cũng có thể kháng cáo hoặc trưng cầu dân ý với người dân, đặc biệt nếu họ là bạo chúa.

"Do đó, một chính phủ hỗn hợp và hữu ích hơn sẽ: thứ nhất, chấp nhận một người đứng đầu tối cao và sở hữu tất cả những phẩm chất tốt đẹp của chế độ quân chủ, tức là trật tự, hòa bình, quyền lực, ổn định, hiệu năng; thứ hai, cung cấp những người đứng đầu nhỏ như thống đốc của các tỉnh, các nhà lập pháp và thẩm phán, những người một mặt sẽ hòa hợp với người đứng đầu tối cao và hỗ trợ việc phân bổ gánh nặng của chính phủ, mặt khác, đủ độc lập, nhưng với tư cách của chính họ, do đó làm cho các phẩm chất tốt nhất của một tầng lớp quý tộc thành khả hữu; thứ ba, chứa đựng các yếu tố dân chủ như vậy sẽ hợp lý bảo đảm cho Khối thịnh vượng chung chống lại những người cai trị không có khả năng và bảo đảm mức độ cao nhất cho quyền nhân dân, quyền tự do, sự chấp thuận, tự phát biểu, sự tham gia và phúc lợi."

Ở đây chúng ta có nền tảng chính trị của chính quyền tự trị, được diễn đạt ngắn gọn bởi một vị Hồng Y Công Giáo Rôma hai thế kỷ trước khi thành lập quốc gia của chúng ta. Trong thời đại mà hậu duệ của Henry VIII và những người hộ giáo Thệ phản của họ đang giải thích Thần quyền của các vị vua, Thánh Bellarmine bảo vệ một hình thức chính phủ tìm thấy những phẩm chất tốt đẹp trong chế độ quân chủ, quý tộc và dân chủ, đồng thời khẳng định đó là quyền của người dân để quyết định "sự kết hợp" mà theo đó họ sẽ được cai trị.

Trong cuốn Democracy and Bellarmine [Dân chủ và Bellarmine], Cha John Rager nhận xét: "Loại chính phủ tốt nhất là chính phủ phục vụ tốt nhất cho số lượng người đông đảo nhất; là chính phủ phân phối các cơ hội và của cải trên trái đất này một cách công bằng và hợp lý tùy theo nhu cầu và khả năng khác nhau của con người; là chính phủ kích thích nguồn năng lực và các nguồn lực tiềm ẩn của nhân cách cá nhân; là chính phủ duy trì trật tự, hòa bình, hạnh phúc và tự do trong nước, và bằng hiệu năng, sức mạnh và sự bền bỉ của nó, truyền cảm hứng cho sự tôn trọng ở nước ngoài; là chính phủ, cuối cùng, không gây trở ngại nào cho con đường định mệnh vĩnh cửu của con người."

Tiền đề cơ bản trong trước tác của Thánh Bellarmine về chính phủ là người dân có quyền tự trị, tất cả đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa, họ có chủ quyền nhân dân. Một cách nhìn khác là xem xét nền tảng của những người theo thuyết Thần quyền, những người tin rằng nhà vua có được quyền lực trực tiếp từ Thiên Chúa, và ông ta cai trị như cha cai quản con. Filmer đã đi xa hơn khi nói rằng khi thực hiện các nghĩa vụ vua chúa của mình, "nhà vua không thể làm gì sai." Ngoài ra, những quyền này là di truyền, như trường hợp trong Kinh thánh. Nhà vua chỉ chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa và mọi sự chống đối đều bị trừng phạt bằng những cách mà nhà vua thấy phù hợp. Filmer và những người biện hộ cho Thần Quyền khác đã chỉ chọn những trích dẫn nào trong Kinh thánh có thể hỗ trợ cho các quan điểm này (Thí dụ: "Các vị vua trị vì do Ta", Châm ngôn, VIII và "Hãy tôn vinh các vị vua", Phêrô II.)

Thánh Bellarmine đồng ý rằng mọi quyền lực đều phát xuất từ Thiên Chúa, nhưng coi mỗi quốc gia là một đơn vị chính trị bao gồm các linh hồn cá thể, mỗi người do bản chất của họ là những sáng tạo tự do và bình đẳng của Thiên Chúa. Được tự do và bình đẳng, không ai có ít hay nhiều quyền cai trị hơn người khác, nhưng vì sự sống còn phụ thuộc vào một loại chính phủ tốt và có trật tự nào đó, nên sự cần thiết của một số loại chính quyền dân sự là cố hữu trong bản chất của xã hội. Vì được Thiên Chúa linh hứng rằng đàn ông và đàn bà nên thành lập các cộng đồng, và do đó cần có chính phủ, nên điều hợp lý là các thành viên của xã hội đó nên xác định ai là người cai trị họ với tư cách các cá nhân. Quyền lực chính trị có thể phát xuất từ Thiên Chúa, nhưng ai thi hành quyền lực đó là ý muốn của người dân.

Khi chúng ta kỷ niệm nền tự do của mình vào ngày 4 tháng 7 này, người Công Giáo ở Mỹ nên tự hào về Đức Hồng Y Robert Bellarmine và những đóng góp của ngài cho nền tự do của chúng ta. Các tác phẩm đồ sộ của ngài cho thấy một con người dấn thân cho Thiên Chúa và quan niệm về chính phủ nhân dân 200 năm trước khi thành lập quốc gia của chúng ta, vào thời điểm mà sự thù địch đối với Công Giáo và chính phủ tự trị đang lên đến đỉnh điểm. Ngài bảo vệ và phổ biến các nguyên tắc của chính quyền tự trị, ủng hộ quyền lực miễn là nó không phải là chế độ chuyên chế, bảo vệ quyền tự do thay vì phóng túng, và qua sự ghét bỏ, ngài đã truyền cảm hứng cho những người chủ trương Thần quyền, đã truyền đạt những ý tưởng đó cho những người cha lập quốc của chúng ta.

Thánh Bellarmine có ảnh hưởng như thế nào đối với những người sáng lập và quyền của chúng ta với tư cách là những người Mỹ tự do? So sánh trước tác của Thánh Bellarmine vào đầu những năm 1600 — như được truyền đạt tới những người sáng lập thông qua các nhà phê bình của ngài như Filmer — với Tuyên ngôn Nhân quyền Virginia của George Mason và Tuyên ngôn Độc lập ) của Thomas Jefferson, do Cha John Rager chuẩn bị trong Democracy and Bellarmine, và rút ra kết luận của riêng bạn.

Về Nguồn gốc của Quyền lực Chính trị:

Thánh Bellarmine: "Quyền lực chính trị bắt nguồn từ Thiên Chúa. Chính phủ được du nhập bởi thiên luật nhưng thiên luật không trao quyền này cho một người đặc thù nào." De Laicis, Ch. VI.

Tuyên ngôn Nhân quyền Virginia: "... Quyền lực đó là do THIÊN CHÚA và THIÊN NHIÊN ban cho người dân."

Tuyên ngôn Độc lập: "Họ (nhân dân) được Tạo hóa ban cho một số quyền bất khả chuyển nhượng."

Về nguồn gốc của chính phủ:

Thánh Bellarmine: "Con người phải được cai trị bởi một ai đó, kẻo họ sẵn sàng bị diệt vong. Con người không thể sống cùng nhau mà không có ai đó quan tâm đến lợi ích chung. Xã hội phải có quyền lực để bảo vệ và gìn giữ chính nó." De Laicis, Ch. VI.

Tuyên ngôn Nhân quyền Virginia: "Chính phủ đang hoặc phải được thành lập vì lợi ích chung, bảo vệ và an ninh của người dân, quốc gia hoặc cộng đồng."

Tuyên ngôn Độc lập: "Để đảm bảo các quyền này (Sống, Tự do và Mưu cầu Hạnh phúc), các chính phủ được thành lập giữa những con người."

Về quyền lực của nhân dân:

Thánh Bellarmine: "Sức mạnh này nằm cận kề nơi toàn bộ quần chúng như trong chủ thể của nó,." De Laicis, Ch. VI. "Bản thân người dân, một cách cận kề và trực tiếp, nắm giữ quyền lực chính trị miễn là họ chưa chuyển giao quyền lực này cho một vị vua hoặc người cai trị." De Clericis[về các giái sĩ], Ch. VII. "Chính khối thịnh vượng chung không thể thực hiện quyền này, do đó, nó được giúp đỡ trong việc chuyển nó cách nào đó cho một người hoặc một số ít người.” De Laicis, Ch. VI.

Tuyên ngôn Nhân quyền Virginia: “Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”

Tuyên ngôn Độc lập: "Các chính phủ được thành lập giữa những con người, có được quyền lực của họ từ sự đồng ý của những người được cai trị."

Về việc mọi người sinh ra tự do và bình đẳng

Thánh Bellarmine: "Trong khối thịnh vượng chung, tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng." De Clericis, Ch. VII. "Không hề có lý do tại sao giữa những người bình đẳng, người này nên cai trị hơn người khác." De Laicis, Ch. VI.

Tuyên ngôn Nhân quyền Virginia: "Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và độc lập như nhau" ban đầu được viết như thế, nhưng theo hội nghị được đổi thành "Mọi người, từ bản chất, đều tự do và độc lập như nhau."

Tuyên ngôn Độc lập: "Mọi người sinh ra đều bình đẳng."

Về Thần Quyền cho Cách Mạng và Quyền Tự Quyết

Thánh Bellarmine: "Vì lý do chính đáng, người dân có thể thay đổi chính phủ thành chế độ quý tộc hoặc chế độ dân chủ hoặc ngược lại." De Laicis, Ch. VI. "Việc đặt lên mình một vị vua, cố vấn hoặc quan tòa đều phụ thuộc vào sự đồng ý của con người." De Laicis, Ch. VI.

Tuyên ngôn Nhân quyền Virginia: "Khi chính phủ không mang lại lợi ích chung, đa số người dân có quyền thay đổi nó."

Tuyên ngôn Độc lập: "Bất cứ khi nào bất cứ hình thức chính phủ nào trở nên phá hoại những mục tiêu này, thì chính Quyền của Nhân dân sẽ thay đổi hoặc bãi bỏ nó, và thành lập một chính phủ mới... Sự thận trọng khôn ngoan, thực sự, sẽ cho thấy rằng các chính phủ đã được thành lập từ lâu không nên thay đổi vì những nguyên nhân nhỏ nhẹ và thoáng qua."

Chúa phù hộ nước Mỹ. Lạy Thánh Robert Bellarmine, cầu cho chúng con.

Thư mục

Patriarcha: The Naturall Power of Kinges Defended Against the Unnatural Liberty of the People, By Arguments, Theological, Rational, Historical and Legall. 1991, Cambridge Press edition [Tổ phụ: Quyền lực tự nhiên của các vị vua được bảo vệ chống lại quyền tự do phi tự nhiên của người dân, bằng các lập luận, thần học, hợp lý, lịch sử và pháp lý. 1991]

The Virginia Declaration of Rights and Cardinal Bellarmine, Gallaird Hunt, Washington, DC. [Tuyên ngôn Nhân quyền Virginia và Hồng Y Bellarmine]

The Origin of Sound Democratic Principles in Catholic Tradition, Moorehouse Millar, S.J. [Nguồn Gốc Của Các Nguyên Tắc Dân Chủ Lành Mạnh Trong Truyền Thống Công Giáo]

Democracy and Bellarmine, Rev. John Rager, S.T.D., 1926. [Dân chủ và Bellarmine]