John Clark của National Catholic Register, ngày 4 tháng 7, 2023 nhận định rằng: Người Pháp de Tocqueville có nhiều điều để nói với người Công Giáo chúng ta về cuộc sống ở Mỹ năm 1840, nhưng ông còn nhiều điều hơn để nói với chúng ta về nó vào năm 2023.



Năm 1831, một nhà quý tộc người Pháp tên là Alexis de Tocqueville được giao nhiệm vụ đến Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và báo cáo lại về hệ thống nhà tù của nước này. Tuy nhiên, khi ông đến đây, Tocqueville đã trở nên hết sức say mê với quốc gia mới nổi lên này. Trải qua chín tháng ở Mỹ, Tocqueville đã quan sát rất kỹ về người dân Mỹ và hệ thống chính trị của Mỹ. Những quan sát của ông đã được xuất bản thành hai tập, vào năm 1835 và 1840, có tựa đề Democracy in America [Nền Dân chủ ở Mỹ]. Nhiều điều khiến Tocqueville tò mò về nước Mỹ, và một trong số đó là việc thực hành đức tin Công Giáo ở thời kỳ đầu của nước Mỹ. Những hiểu biết sâu sắc của Tocqueville vẫn đúng cho đến tận ngày nay.

Khi John F. Kennedy ra tranh cử, một số người công khai và giận dữ khăng khăng rằng đức tin Công Giáo của ông sẽ khiến ông không thể đảm nhiệm chức vụ tổng thống một cách đúng đắn. (Thật kỳ lạ, dường như không ai phản đối điều đó trong chiến dịch tranh cử của Joe Biden, nhưng đó là câu chuyện của một thời điểm khác.) Gần đây hơn, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Dianne Feinstein, D-Calif., đã nói bóng gió rằng việc thực hành đức tin của Amy Coney Barrett sẽ cản trở bà hoạt động trong tư cách một thẩm phán của Tòa án Tối cao. Tại phiên điều trần của Barrett, Feinstein đã nói với bà: “Khi bạn đọc các bài phát biểu của mình, người ta rút ra kết luận rằng giáo điều sống rất rõ ràng trong bạn, và đó là điều đáng lo ngại.”

Có một thái độ chống Công Giáo cho rằng cách nào đó tôn giáo này khiến người ta không thích hợp với tư cách công dân hoặc việc cai trị tại Hoa Kỳ, nhưng lập trường đó hoàn toàn trái ngược với niềm tin của Tocqueville. Ông khẳng định: “Tôi nghĩ rằng đạo Công Giáo đã bị coi là kẻ thù tự nhiên của nền dân chủ một cách sai lầm”. Và đó không chỉ là một lập trường triết học, mà còn là một lập trường được hình thành từ sự quan sát về nước Mỹ thời kỳ đầu. Tocqueville viết, “Vào thời điểm hiện tại, hơn một triệu Kitô hữu tuyên xưng các chân lý của Giáo hội Rôma sẽ được đáp ứng trong Liên minh. Người Công Giáo trung thành với việc tuân thủ tôn giáo của họ; họ nhiệt thành và sốt sắng ủng hộ và tin tưởng vào các tín lý của họ. Tuy nhiên, họ tạo thành tầng lớp công dân cộng hòa nhất và dân chủ nhất hiện hữu ở Hoa Kỳ.

Bản thân Tocqueville, một người Công Giáo, chắc chắn đã nhận ra rằng nhân luật bắt nguồn từ luật vĩnh cửu; do đó, mọi người đều phải tuân theo nó. Theo quan điểm của Công Giáo, không ai đứng trên luật pháp hay công lý. Ông viết, “Về các điểm tín lý, đức tin Công Giáo đặt mọi năng lực của con người ngang hàng với nhau; nó khiến người thông thái và kẻ dốt nát, người có thiên tài và đám đông tầm thường, phải tuân theo các chi tiết của cùng một tín ngưỡng; nó áp đặt những quy tắc giống nhau đối với người giàu và người nghèo, nó áp đặt những khổ hạnh giống nhau đối với kẻ mạnh và kẻ yếu, nó không chịu thỏa hiệp với con người tử sinh, nhưng, giản lược toàn bộ loài người xuống cùng một tiêu chuẩn như nhau, nó làm xáo trộn mọi sự phân biệt của xã hội dưới chân cùng một bàn thờ, ngay cả khi họ mất ân sủng trước mặt Thiên Chúa.”

Với việc đề cập đến cả “người giàu và người nghèo”, rõ ràng Tocqueville không tranh luận ủng hộ chủ nghĩa bình quân [egalitarianism] cách mạng, mà đúng hơn là tính bình đẳng về luật pháp và công lý. Hơn nữa, niềm tin của người Công Giáo vào sự bình đẳng chính trị như vậy cũng đồng nghĩa với việc trở thành công dân của nước cộng hòa Mỹ. Tocqueville đưa ra câu trả lời cho những người đề xuất sự phân đôi giữa người Công Giáo và công dân Mỹ: “Vì vậy, người Công Giáo Hoa Kỳ đồng thời là những tín hữu trung thành nhất và cũng là những công dân nhiệt thành nhất.” Vào cuối tập thứ hai củaDemocracy in America [Dân chủ ở Mỹ], Tocqueville ghi nhận tình trạng của một số nước châu Âu vào năm 1840. Nó đáng được trích dẫn dài dòng, bởi vì nó mô tả gần như hoàn hảo nhiều vấn đề về quan hệ Giáo Hội/nhà nước ở Mỹ ngày nay. Tocqueville viết, “Hầu như tất cả các cơ sở từ thiện của Châu Âu trước đây đều nằm trong tay các tư nhân hoặc tập đoàn; giờ đây hầu như chúng đều phụ thuộc vào chính phủ có chủ quyền.”

Ông viết tiếp, “Nhà nước hầu như chỉ đảm nhận việc cung cấp bánh mì cho người đói, hỗ trợ và cung cấp chỗ ở cho người bệnh, việc làm cho người nhàn rỗi và đóng vai trò là liều thuốc giảm đau duy nhất cho mọi loại đau khổ.

Giáo dục, cũng như từ thiện, ở hầu hết các quốc gia ngày nay đang trở thành mối quan tâm của quốc gia.”

Tocqueville viết thêm: “Nhà nước tiếp nhận, và thường lấy đứa trẻ từ vòng tay của người mẹ, để giao nó cho các đại lý chính thức: Nhà nước đảm nhận việc rèn luyện trái tim và giáo dục trí óc của mỗi thế hệ. Tính thống nhất chiếm ưu thế trong giáo huấn công cộng cũng như trong mọi điều khác. … Tôi cũng không ngần ngại khẳng định rằng … tôn giáo có nguy cơ rơi vào tay chính quyền. Không phải các nhà cai trị quá ghen tị với quyền giải quyết các điểm tín lý, nhưng họ ngày càng muốn nắm giữ ý chí của những người mà các tín lý này được giải thích cho… họ chuyển hướng ảnh hưởng của chức linh mục sang mục đích riêng của họ, họ biến các linh mục thành thừa tác viên của họ, thường là những đầy tớ của chính họ — và bằng cách liên minh với tôn giáo này, họ đụng tới những tầng sâu bên trong tâm hồn con người.”

Ngày nay ở Mỹ, việc cung cấp thức ăn cho người đói thông qua các chương trình phúc lợi khác nhau đã trở thành một chức năng chủ yếu của chính phủ, loại bỏ nhiều cơ hội để thực hành và nuôi dưỡng nhân đức ái đối thần. Tồi tệ hơn, nhiều tổ chức từ thiện Công Giáo đã hướng các quỹ vào các hoạt động đi ngược lại với giáo huấn chính thức của Giáo hội. Và điều này đã xảy ra phần lớn với sự chấp thuận của các giám mục cấp cao ở Mỹ.

Ngày nay ở Mỹ, giáo dục cũng đã trở thành một chức năng của nhà nước, với sự độc dạng nghẹt thở trong các lớp học ở trường công lập của Mỹ - trong đó bất cứ cuộc nói chuyện nào về Đấng Tạo Hóa đều bị cấm và việc nói chuyện về “LGBTQ” hầu như bắt buộc ngay từ khi học mẫu giáo (ngoài ngoại lệ khá nổi tiếng của Florida dưới thời Thống đốc Ron DeSantis). Nhiều phụ huynh đã chọn các chương trình học tại nhà để thoát khỏi chương trình giảng dạy vô thần/bất khả tri/thức tỉnh (woke). Nhưng lần cuối cùng một linh mục hoặc giám mục khuyến khích, hoặc thậm chí thừa nhận, cha mẹ dạy tại nhà là khi nào?

Còn đối với vấn đề “tôn giáo rơi vào tay chính quyền”, người ta phải mô tả tốt hơn ra sao việc các tòa án hôn nhân cấp giáo phận buộc phải có ly hôn dân sự trước khi một phiên xử vô hiệu hóa hôn nhân [marriage annulment] thậm chí có thể được tiến hành? Làm thế nào mô tả tốt hơn việc đóng cửa các nhà thờ và tòa giải tội vào mùa xuân và mùa hè năm 2020? Làm thế nào mô tả tốt hơn việc cho phép một hệ thống theo đó các linh mục bị buộc phải chích vắc xin như một điều kiện để thi hành chức vụ?

Là một công dân Công Giáo tốt không bao hàm việc từ bỏ các quyền của Giáo hội cho nhà nước - điều mà Tocqueville đã cảnh cáo chúng ta.

Hóa ra, Tocqueville có nhiều điều để nói với người Công Giáo chúng ta về cuộc sống ở Mỹ năm 1840, nhưng ông còn nhiều điều nữa để nói với chúng ta về cuộc sống ở năm 2023.

Đã đến lúc chúng ta lắng nghe Ông.