Suy niệm về Thánh vịnh 148

Đây là bản dịch bài phát biểu của Đức Gioan Phaolô II tại buổi triều yết chung hôm nay, nói về Thánh vịnh 148. Bài phát biểu bằng tiếng Ý.

1. Thánh vịnh 148, vừa mới cất lên ngợi khen Chúa, đích thực là một bài Thánh ca của tạo vật, một thứ kinh Tạ ơn Chúa trong Cựu Ước, một bài alleluia vũ trụ bao hàm mọi sự và mọi người trong sự ngợi khen Chúa.

Một nhà chú giải thời nay bình luận như thế này: Tác giả Thánh vịnh, gọi tên từng các hữu thể, đặt chúng trong thứ tự: Trên là trời, với hai thiên thể tùy các thời tiết, rồi tới các vì sao; một bên là những cây ăn trái, bên kia là những cây bá hương; một bên là loài bò sát, và bên kia là mọi loài chim; đây là bậc vua chúa và đàng kia là dân chúng; trong hai hàng, có lẽ nắm tay nhau, những thanh niên và thiếu nữ... . Chúa đã tạo dựng nên chúng, cho chúng chỗ đứng và nhiệm vu; con người nhận lấy chúng, cho chúng một chỗ trong tiếng nói, và như vậy là trình diện chúng trong sự cử hành phụng vụ. Con người là mục tử của hữu thể hay là nhà hướng dẫn phụng vụ của tạo vật (Luis Alonso Schokel, Trenta salmi: poesia e preghiera [Thirty Psalmi: Poetry and Prayer], Bologna 1982, p. 449.)

Chúng ta hãy hiệp với đội hợp xướng phổ quát này, đang vang dội trong hậu cung trời và đội hợp xướng này có toàn thể vũ trụ như một đền thờ. Chúng ta hãy để mình bị chinh phục bởi hơi thở của cuộc ngợi khen mà tất cả tạo vật dâng lên Đấng Sáng Tạo.

2. Trên trời chúng ta gặp những ca sĩ của vũ trụ tinh tú: những thiên thể xa, những đội xướng thiên thần, mặt trời và mặt trăng, những ngôi sao chớp nháy, cửu trùng cao vút (x. c, 4), nghĩa là, không gian ngôi sao, khối nuớc ở trên, mà người trong Kinh thánh tưởng là được chứa trong những hồ chứa trước khi rớt xuống đất làm mưa.

Tiếng alleluia, nghĩa là, lời mời ngợi khen Chúa, vang dội ít nhất 8 lần và có trật tự và sự hài hoà của các hữu thể trên trời như mục đích cuối cùng của mình: Người [ban cho chúng những nhiệm vụ không bao giờ thay đổi] (c. 6)

Bấy giờ chúng ta ngước mắt nhìn về đường chân trời trái đất, nơi một đoàn kiệu ca sĩ đi thành hàng một, ít nhất là 22, nghĩa là, một thứ bảng chữ cái của cuộc ngợi khen, rải rác khắp hành tinh chúng ta. Đây là những thủy quái và những vực thẳm, biểu trưng cho hỗn mang chất nước trên đó xây dựng trái đất (x. Tv 23[24]:2), theo quan niệm vũ trụ học của những người Semit xưa.

Thánh Giáo phụ Basil nhận xét: Thậm chí vực thẳm không bị tác giả Thánh vịnh xét là đáng khinh, bởi vì ông bao hàm nó trong đội xướng chung của tạo vật, điều hơn nữa, với tiếng nói riêng của nó, tạo vật hoàn thành cách hài hòa thánh thi dâng lên Đấng Sáng Tạo (Homliae inhexaemeron, III, 9: PG 29, 75).

3. Cuộc kiệu tiếp tục với các tạo vật trong bầu khí: sấm sét và mưa đá, tuyết và sương, gió bảo, được xem như là những sứ giả mau chân của Chúa (x. Tv. 148:8).

Bây giờ núi non và gò nổng xuất hện, người bình dân coi chúng như là những tạo vật xưa nhất trái đất (x. c. 9a). Giới thực vật được đại diện qua những cây ăn quả và cây bá hương (x. c. 9b). Ngược lại, thế giới động vật được hiện thân trong những thú rừng và gia súc, loài bò sát và loài chim bay (x. c. 10)

Và, sau cùng, con người xuất hiện, chủ sự trên phụng vụ của tạo vật. Con người được trình diện tùy theo mọi lứa tuổi và mọi khác biệt: nữ tú, nam thanh và bô lão, hoàng tử, vua chúa và các nước (x. cc. 11-12)

4. Bây giờ chúng ta hãy giao phó cho thánh Gioan Kim khẩu nhiệm vụ ném một cái nhìn bao quát trên đội hợp xướng bao la này. Ngài làm vậy với những lời cũng qui chiếu về bài Thánh ca của ba thanh niên trong lò lửa bừng cháy, như chúng ta đã suy niệm trong bài giáo lý cuối cùng.

Đấng Giáo phụ vĩ đại và thượng phụ thành Constantinople khẳng định: Vì các thánh có tinh thần ngay thẳng cả thể, nên khi các ngài sắp ngợi khen Chúa, các ngài có thói quen kêu mời nhiều người tham gia việc ngợi khen của các ngài, khuyến khích họ tham dự chung với mình trong phụng vụ tốt đẹp này. Điều này ba thanh niên trong lò lửa cũng đã làm, khi họ kêu gọi tất cả tạo vật ngợi khen và hát những bài thánh thi ca ngợi Chúa vì ân lành đã nhận lãnh (Daniel 3).

Thánh vịnh này cũng làm như vậy, kêu gọi cả hai phần thế giới, phần ở trên và phần ở dưới, những loài có cảm giác và những loài có lý trí. Ngôn sứ Isaiah cũng đã làm như vậy, khi ngài nói: Trời hãy reo hò, đất hãy nhảy múa, núi non hãy bật tiếng hò reo. Vì Đức Chúa ủi an dân Người đã chọn, và chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Người (Is. 49:13).

Và sách Thánh ca diễn tả chính mình như thế này: Thuở Israel ra khỏi Ai cập, thuở nhà Giacob rời bỏ ngoại bang... ví tựa bầy chiên, núi đồi nhảy nhót, như thể đàn cừu, gò nổng tung tăng (Tv. 113[114]:1, 4). Và nơi khác trong sách Isaiah: Trời Cao hỡi, nào hãy gieo sương, mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính (Isaiah 45:8). Thật vậy, các thánh thấy mình không đủ để ngợi khen Chúa theo sức mình, thì quay về mọi phía, bao hàm tất cả trong một cách hát thánh thi chung

5. Chúng ta cũng được mời kết hợp với đội hợp xướng bao la này, trở thành tiếng nói minh nhiên của mọi tạo vật và ngợi khen Chúa trong hai chiều kích cơ bản của mầu nhiệm Người. Một mặt, chúng ta phải thờ lạy sự cao cả siêu việt của Người, vì thánh danh Người cao cả vô song và oai phong vượt quá đất trời, như Thánh vịnh chúng ta nói (c. 13). Mặt khác, chúng ta hãy nhìn nhận sự tốt lành chiếu cố của Người, bởi vì Chúa gần gũi các tạo vật của Người và đến cách riêng để giúp dân Người.

Thế lực dân Người, Người đã nâng cao, cho dân Israel dân gần gũi với Người (c. 14), như tác giả Thánh vịnh lại khẳng định.

Bây giờ chúng ta hãy nhận, trươc mặt Đấng Sáng Tạo toàn năng và đầy lòng thương xót, lời mời của thánh Augutinô để ngợi khen, tán dương và mừng hát Chúa qua hai công trình của Người: Khi anh quan sát những tạo vật này và anh hưởng thụ chúng và nghĩ tới đấng Kiến Trúc Sư của mọi sự và của những sự được tạo dựng, và bằng lý trí chiêm ngắm những thuộc tính vô hình của Người, bấy giờ một sự xưng thú cất lên mặt đất và trên trời... Nếu các tạo vật là tốt, thì Đấng Sáng Tạo càng tốt hơn dường nào? (Expositions on the Psalms, -- Esposizione sui Salmi, IV, Rome, 1977, pp. 887-889).

[Cuối buổi triều yết, Đức Giáo hoàng nói tóm tắt như sau bằng tiếng Anh]

Anh chị em thân mến.

Thánh vịnh 148 là một bài alleluia vũ trụ. Mọi tạo vật--mọi sự trên trời, trên đất và dưới đất--được kêu gọi phải ngợi khen Chúa, đấng Làm ra mọi sự hiện hữu. Tiếng nói chúng ta, cũng vậy, kết hợp với đội xướng bao la này trong sự ngợi khen Chúa. Người ở trên mọi tạo vật, và tình yêu của Người đối với chúng ta thì không cùng.

Tôi vui mừng chào những người hành hương nói tiếng Anh hiện diện trong buổi triều yết hôm nay, cách riêng những người đến từ Ireland, Scotland, và Hiệp Chúng Quốc America. Trên tất cả anh chị em, tôi chân thành cầu xin ân sủng và bình an của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Chúc Mùa Hè hạnh phúc!

[Văn bản phân phát do Cơ quan Báo chí Vatican]