NHƯ THẦY ĐÃ YÊU THƯƠNG

(Chúa Nhật V Phục Sinh C)

Có thể nói rằng Kitô hữu chúng ta vốn không xa lạ gì với giới răn mới mà Chúa Kitô truyền lại: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34). Nói đến Kitô giáo, cách riêng Công Giáo, người ta nghĩ ngay đến hai từ “bác ái”. Bác ái không nguyên là yêu thương nhau theo kiểu ông bà tiên tổ truyền dạy là “thương người như thể thương thân” mà còn phải yêu thương nhau như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta.

Trong thực tế, cách thế yêu thương cũng có năm bảy đường. Có người chủ trương yêu là cho roi cho vọt, lại có kẻ nghiêng chiều việc thương là cho ngọt cho ngào. Trong đời con cái Chúa cũng không thiếu người sống và hành xử cách khác nhau và nhiều khi như nghịch nhau mà vẫn cho rằng mình đã và đang yêu thương “như Chúa Kitô yêu thương”. Chính vì thế, việc lật mở và lần theo các trang Tin Mừng để xét xem Chúa Kitô đã yêu thương như thế nào là điều mà Kitô hữu cần thực hiện liên lỉ.

Có thể còn nhiều bất cập, nhưng xin mạo muội có một cái nhìn về tình yêu Chúa Kitô đã dành cho nhân loại chúng ta theo tiêu chí “toàn diện và lưỡng diện” như sau:

1. Chúa Kitô yêu thương con người cả phần hồn lẫn phần xác. Khi yêu thương, Chúa Kitô không chỉ chữa lành bệnh tật phần xác như cho kẻ què được đi, người câm nói được, người mù sáng mắt, người phung hủi được sạch… mà Người còn xua trừ ma quỷ, thứ tha tội lỗi… Chúa Kitô không chỉ ban lời hằng sống mà còn dùng quyền năng để nuôi đám đông dân chúng mà Tin Mừng tường thuật là có lần đến những năm ngàn người đàn ông chưa kể đàn bà và con trẻ và có lần khác thì bốn ngàn người đàn ông (x. Lc 7,22; Mt 14,13-21; Mc 6,30-44; Lc 9,10-17; Ga 6,1-15).

2. Chúa Kitô quan tâm săn sóc con người cả đời này lẫn đời sau. Khi thi ân giáng phúc cho đám đông dân chúng no nê từ năm chiếc bánh và hai con cá xong, thì sau đó Người mời gọi họ hãy lo tìm kiếm lương thực đem lại sự sống trường sinh, đó là tin vào Người là Đấng mà Chúa Cha sai đến (x.Ga 6,26-29). Mặc dù biết rằng con người không thể sống mãi ở đời này, Chúa Kitô vẫn thương bà góa nghèo thành Naim, nghĩ đến cảnh côi cút của bà, để rồi ra tay uy quyền cho người con trai duy nhất của bà được sống lại để phụng dưỡng mẹ già (x.Lc 7,11-17).

3. Chúa Kitô vừa khoan dung tha thứ cho người có tội nhưng vừa kiên quyết diệt trừ tội lỗi và lên án các gương mù, gương xấu, đặc biệt khi chúng gây dịp tội cho những người bé mọn. Khi cứu sống người phụ nữ phạm tội ngoại tình bị bắt quả tang, Chúa Kitô đã không kết án chị ấy nhưng lại nghiêm nghị dạy rằng: Hãy về và đừng phạm tội nữa! Trên thập giá, dù khẩn xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết hại mình vì họ lầm chẳng biết, nhưng trước đó Chúa Kitô vẫn đã từng nhiều lần kết án những người làm gương mù gương xấu, gây cớ vấp phạm cho những người bé mọn, thậm chí Người đã từng dùng những lời gay gắt như kiểu nguyền rủa: “Khốn cho các ngươi…!” (x.Mt 18,5-9; Ga 8,11; Mt 23,1-36; Lc 11,37-54). Và Người cũng đã từng bện dây thừng thành roi để đánh đuổi những người vô tình hay hữu ý biến Đền thờ thành hang trộm cướp, thành nơi buôn bán (x.Ga 2,13-17; Lc 19,45-46; Mc 11,15-17; Mt 21,12-13). Như thế, cần khẳng định rằng Chúa Kitô vừa giáng phúc thi ân không ngơi nghỉ, nghĩa là làm điều tích cực, nhưng Người cũng vừa hết mình chiến đấu với sự dữ, nghĩa là khử trừ những hiện tượng tiêu cực, xấu xa.

4. Khi yêu thương, Chúa Kitô sẵn sàng đón nhận mọi khó khăn, đau khổ xảy đến cho mình, nhưng Người luôn tìm cách bảo vệ, gìn giữ những kẻ Chúa Cha đã ban cho Người khỏi những sự dữ (x.Ga 10,28; 17,11-12; 18,8-9). Người sẵn sàng đón nhận lời vu cáo, nhưng vẫn công bố lời chân lý trước cả thần quyền lẫn thế quyền (x.Mt 26,59-66; Ga 18,33-38).

Yêu thương nhau như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta quả là không dễ. Chúng ta đã nghe rằng một nửa sự thật chưa hẳn là sự thật thế mà nhiều khi chính ma quỷ cám dỗ chúng ta trình bày một nửa sự thật hầu để che đậy hoặc hợp pháp hóa một sự giả dối. Một cách tương tự theo nghĩa loại suy thì khi yêu thương nhau “như Chúa Kitô yêu thương” mà chỉ một vế hay một phần thì có thể chúng ta chưa thực sự yêu thương và cũng có thể chúng ta đang bị ma quỷ cám dỗ che đậy “sự vị kỷ” cách tinh tế mà nhiều khi bản thân chẳng biết, chẳng hay.

“Khốn cho các ngươi, hỡi các người Pharisiêu! Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều này phải làm mà các điều kia cũng không được bỏ” (Lc 11,42). Tình trạng “gạn lọc con muỗi để nuốt cả con lạc đà” vẫn có đó nơi nhiều người tưởng rằng mình đang thực thi giới răn mới của Chúa Kitô, trong khi chỉ sống yêu thương cách phiến diện (x.Mt 23,24). Mong sao không một ai trong chúng ta phải hứng chịu lời khiển trách của Chúa Kitô ngày xưa: “Khốn cho các ngươi, hỡi những nhà thông luật! Các người đã cất giấu chìa khóa của sự hiểu biết: các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi lại ngăn cản”(Lc 11,52), vì chúng ta không chỉ sống mà còn giảng dạy giới răn mới của Chúa Kitô một cách không toàn vẹn.

Để kết thúc những dòng chia sẻ trên, xin được bổ sung một tiêu chí để kiểm chứng xem chúng ta đã thực sự giữ giới răn mới của Chúa Kitô như thế nào, vì rất có thể chúng ta đang yêu thương theo kiểu cách của mình mà không như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta. Đó là khi yêu thương nhau, chúng ta đã cúi xuống trong sự hạ mình và bỏ mình chưa? (x.Ga 13,1-17; Pl 2,5-11).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa