Lịch sử Liên Tu Sĩ Roma nhân dịp mừng kỷ niệm 60 năm thành lập

Sáng thứ bẩy mùng 3 tháng 3 vừa qua 32 Giám Mục thuộc HĐGM Việt Nam đã viếng mộ thánh Phêrô, và lúc 8 giờ đã dâng thánh lễ tại nhà nguyện Ngai Toà Thánh Phêrô mở đầu cho tuần lễ hành hương viếng mộ hai Thánh Tông Đồ và thăm Toà Thánh. Thánh lễ do ĐC Giuse Nguyễn Chí Linh TGM Huế, Chủ tịch HĐGM, chủ sự. Cùng đồng tế với các Đức Cha có hơn 60 Linh Mục VN trong đó có 6 Linh Mục thư ký của ba giáo tỉnh tại quê nhà, trước sự tham dự của 150 nữ tu, chủng sinh và anh chị em giáo dân, trong đó có một số tín hữu hành hương người Việt.

Tiếp đến mọi người đã về trường Thánh Phaolô để tham dự văn nghệ mừng Xuân và dự tiệc do các Giám Mục khoản đãi. Kỷ yếu mừng 60 thành lập Liên Tu Sĩ Roma cũng đã được trao tặng các Đức Cha và các thành viên Liên Tu Sĩ. Ngỏ lời chào mừng các Đức Cha Đức Ông Gioan Baotixita Phạm Mạnh Cương, Chủ tịch Liên Tu Sĩ Roma niên khoá 2017-2019, đã bầy tỏ niềm vui suớng của mọi người được gặp gỡ các Chủ Chăn trong dịp các ngài đến Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Toà Thánh. Đây là dịp các thành viên LTSR được sống tình hiệp thông với Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam, nhất là trong dịp LTSR mừng kỷ niệm 60 năm thành lập. Cách riêng đối với nhiều Giám Mục đã từng là cựu thành viên của Liên Tu Sĩ, đây cũng là dịp sống lại các kỷ niệm của thời tu học tại Roma.

Nhân dịp này chúng tôi xin gửi tới quý vị đôi dòng lịch sử của Hội Liên Tu Sĩ Roma.

Nếu tính từ năm chính thức thành lập (1957), năm vừa qua (2017) Liên Tu Sĩ Roma tròn 60 tuổi. Nhưng thật ra trước năm 1957, trong thời gian gần 40 năm, cũng đã có một số linh mục và tu sĩ được gửi đi tu học tại Roma. Có thể chia lịch sử Liên Tu Sĩ Roma thành ba giai đoạn chính: giai đoạn I (1919-1956) là giai đoạn tiền thân của Liên Tu Sĩ Roma; giai đoạn II (1957-1975) từ ngày thành lập cho tới biến cố 30-4-1975; giai đoạn III (1975-2007) từ khi đất nước thống nhất cho tới thời điểm làm cuốn Kỷ Yếu 50 năm; và giai đoạn IV (2007-2017) từ năm 2007 cho tới nay.

Giai đoạn I: tiền thân của Hội Liên Tu sĩ Roma từ 1919 đến 1956



Tại Palazzo di Propaganda Fide

Trong các năm 1918-1919 đã có một số linh mục thuộc các giáo phận Huế, Hà Nội, Phát Diệm, Quy Nhơn và Sài Gòn, được gửi sang du học Roma, trong đó có Đức Tổng Giám Mục Phêrô Maria Ngô Đình Thục. Đức Cha Ngô Đình Thục là vị đã xướng xuất và lập ra “Hội Alma Mater” nhằm cổ võ các chủng sinh theo học tại Trường Truyền Giáo và ra về hoạt động tại các nước trên thế giới. Tờ “Alma Mater” vẫn được phát hành cho tới nay. Tòa nhà nơi các sinh viên ở, học và chịu chức là Dinh Bộ Truyền Giáo tại Piazza di Spagna hiện nay.

** Tại Collegio Urbano

Việc gửi sinh viên sang Roma tiếp tục tiến hành đều đặn theo nhu cầu của các giáo phận. Với số sinh viên giatăng Bộ Truyền Giáo quyết định xây Trường Urbano, trên đất của một nhà thương tâm thần cũ. Từ năm 1927 các sinh viên cư ngụ tại Trường Urbano và học tại Đại Học Urbaniana.

Trong số các sinh viên có: Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình, Đức Cha Giuse Lê Văn Ấn, các cha Phêrô Vũ Kim Điện Bề trên Convitto Vietnamita, Luca Trần Văn Huy (bào huynh của Đức Ông Trần Văn Khả), Đức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, vv...

Trong thời kỳ này vào mùa hè, các chủng sinh ra nghỉ tại Castel Gandolfo và có các sinh hoạt chung như viết các bài khảo luận về thần học, triết lý, mục vụ vv... với chủ đích xây dựng tinh thần làm việc chung để khi về Việt Nam sẽ dễ dàng cộng tác với nhau hơn. Anh em cũng thành lập “Hội Lê Bảo Tịnh” và một tủ sách, và cho ra tờ “Đường Sống” là tờ báo viết tay nhỏ, khoảng 50 trang, chuyền cho nhau đọc. Trong bài viết các vị gọi nhau là “ông”. Một số các tài liệu viết tay này, với các nét chữ bằng mực rất đẹp, còn được lưu giữ dưới hầm thư viện của Đại Học Urbaniana hiện nay.

Tại Collegio San Pietro

Để đáp ứng các nhu cầu gia tăng năm 1946 Bộ Truyền Giáo cho xây thêm Trường Thánh Phêrô trên khu đất do Hiệp Hội Thánh Phêrô mua lại của nữ bá tước Casale, và năm đó có tám sinh viên linh mục Việt Nam đầu tiên nhập trường.

Các Dòng Tu

Tu sĩ đầu tiên dòng Đa Minh sang du học Roma là Đức Cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn. Từ năm 1951 trở đi các tu sĩ Đaminh được gửi sang Roma đều đặn hơn.

Trong thập niên 1930 Dòng Chúa Cứu Thế cũng gửi người sang du học Roma trong có có Cha Chân Tín.

Giai đoạn II: từ năm thành lập 1957 đến 1975



Thành lập Liên Tu Sĩ Roma

Hội Liên Tu sĩ Roma được thành lập tại Collegio San Pietro trong niên khóa 1957-1958, do các Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng, Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận và Phaolô Huỳnh Đông Các, khởi xướng. Các linh mục thành viên trong niên khóa đó và các niên khóa tiếp theo thuộc các giáo phận Bùi Chu, Phát Diệm, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Hóa, Thái Bình, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ, Long Xuyên.

** Vì hoàn cảnh đất nước các linh mục du học không thể trở về giáo phận gốc của mình ở miền Bắc được nên Bộ Truyền Giáo khuyên gia nhập một trong các giáo phận miền Nam.

Với nhu cầu gia tăng năm 1960 Bộ Truyền Giáo cho xây thêm Collegio San Paolo để nhận các sinh viên triết học, và dành Collegio Urbano cho sinh viên thần học. Trong thời kỳ này số các thầy Việt Nam được khoảng trên dưới 30.

Cũng có các tu sĩ như thầy Dominico Nguyễn Khoát Đạt, Dòng Đa Minh, thầy Placido Nguyễn Văn Diễn, Dòng Chúa Cứu Thế và thầy Romualdo Trần Văn Phiên, dòng Xitô.

Các nữ tu thuộc nhiều dòng khác nhau gia nhập Liên Tu Sĩ Roma và cũng giữ các nhiệm vụ trong Ban Chấp Hành như: chị Jean Trần Thị Ngọc Anh dòng Saint Paul de Chartres làm Phó Chủ Tịch thời Cha Chủ Tịch Trần Đình Tứ; chị Sabina Tuyết cũng dòng Saint Paul de Chartres làm Thủ Qũy dưới thời cha Chủ Tịch Nguyễn Công Đoan; chị Maria Hoàng Thị Lê dòng Mến Thánh Giá Thừa Sai Huế làm Phó Chủ Tịch và chị Maria Trần Thị Xuân Hiền dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ làm Thủ Qũy thời Đức Ông Chủ Tịch Trần Văn Khả; chị Cecilia Phạm Thị Tiến làm Trưởng Ban Thánh Nhạc và Văn Nghệ trong nhiều năm.

Mục đích của Liên Tu Sĩ Roma là thắt chặt mối dây liên kết yêu thương và tạo dịp để gặp gỡ nhau. Điều 2 bản Nội Quy được chấp thuận ngày 19-11-1962 ghi như sau: “Liên Tu Sĩ Roma nhằm mục đích liên lạc giữa các Anh Chị Em Tu Sĩ Việt Nam tại Roma, để gây tình tương thân cộng tác trong hiện tại và tương lai”.

Sinh hoạt

Hội tiếp đón các các thành viên linh mục, chủng sinh và nam nữ tu sĩ tới Roma tu học hay làm việc. Dần dần các sinh hoạt của hội do các chủng sinh Trường Truyền Giáo đảm trách. Các thầy làm Chủ Tịch và đảm trách các tiểu ban Thánh Nhạc và Văn Nghệ. Thầy Giuse Hoàng Minh Thắng đã lo về Thánh Nhạc và Văn Nghệ trong nhiều năm.

** Hội thường xuyên tổ chức các buổi họp vào đầu niên khóa, thường là cuối tháng 9 đầu tháng 10, mừng Tết Nguyên Đán tháng giêng hoặc tháng hai, và họp cuối năm vào đầu tháng năm. Ngoài ra còn có các buổi họp đặc biệt mỗi khi có các biến cố lớn, các Giám Mục Việt Nam đến Roma, tấn phong Giám Mục, chịu chức Linh Mục, Vĩnh Thệ vv... Vào giữa thập niên 1990 dưới thời Đức Ông Trần Văn Khả làm Chủ Tịch có thêm buổi gặp gỡ trong mùa Vọng để mừng lễ Giáng Sinh trước, và ngày tĩnh tâm trong mùa Chay.

Hội cũng tổ chức một Thư Viện Việt Nam mang tên “Thư Viện Lê Bảo Tịnh” tại Trường Truyền Giáo, để các hội viên tham khảo khi cần làm luận án về Việt Nam, cũng như đọc thêm để biết về lịch sử văn hóa Việt Nam và để khỏi quên tiếng Việt. Phần lớn sách do các cựu hội viên từ Việt Nam gửi biếu, trong đó có các cha Trần Phúc Vỵ và Trần Phúc Nhân, hay do hội mua và do các sinh viên rời trường để lại, khiến cho thư viện thêm phong phú. Dĩ nhiên, ngoài các sách tham khảo cũng có nhiều tiểu thuyết và chuyện kiếm hiệp nữa. Sau năm 1977 Thư Viện Lê Bảo Tịnh đã được đưa xuống Thư Viện chung của Đại Học Urbanina cùng với Thư Viện Tầu và Thư Viện Nhật.

Hy vọng trong tương lai gần, với sự hỗ trợ của Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo và cha Antôn Bùi Kim Phong Phụ tá Giám Đốc Trung Tâm Văn Hóa Á châu, các linh mục tu sĩ nam nữ sinh viên Việt Nam phục hưng và phát triển Thư Viện Lê Bảo Tịnh cho các thế hệ tương lai.

Hội Liên Tu sĩ Roma cũng cho ra tờ “Liên Kết”, đánh máy quay roneo, gồm tin tức xa gần, một ít bài khảo cứu, tường thuật các sinh hoạt chung, Sớ Táo Quân đầu năm “chọc ghẹo” vị này vị kia, đặc biệt là các cha, các thầy có tuổi và các chị. Có những tay viết nghịch ngội, chuyên nhái giọng văn kinh bổn và giáo lý ngày xưa, hay giọng văn và lời bàn của tiểu thuyết kiếm hiệp khiến người đọc cười “đứt ruột và sa nước mắt”. Ai cũng sợ bị nêu danh, nhưng khi được lên báo, thì lại “thích chí đến ngủ không được”. Vào thời Đức Ông Nguyễn Văn Phương làm Chủ Tịch, Cố Kết làm Phó Chủ Tịch và cha Vũ Thành làm Thư Ký, thầy Cố Đạt Dòng Đa Minh và Mẹ Huy Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm, là hai nhân vật hay được nhắc tới nhất. Mùa hè Thầy Cố đi thăm con cái ở Tây Ban Nha hay Mỹ, làm gì mọi người đều biết cả. Cả những chuyện Cha Khả dặn Thầy đừng có cho Cố Kết biết, rốt cuộc Thầy Cố cũng dặn Cố Kết đừng có nói với ai, và thế là bàn dân thiên hạ đều biết hết qua tờ Liên Kết.

Vào những năm trước 1975 khi cha Nguyễn Công Đoan làm Chủ Tịch, Đức ông Nguyễn Văn Phương làm Phó Chủ Tịch và chị Sabine Tuyết làm Thủ Qũy, Liên Tu Sĩ Roma sinh hoạt rất mạnh mẽ. Cha Đoan thường xuyên lặn lội đi xe bus tới thăm anh chị em ở các nhà khác nhau, khiến cho tình đoàn kết gắn bó được thắm thiết hơn.

Giai đoạn III: từ 1975 đến 2007



Biến cố năm 1975 tạo ra một hoàn cảnh mới cho các linh mục, chủng sinh tu sĩ Việt Nam tại Roma. Một đàng vì ai cũng thấy rằng từ nay miền Nam đang đi vào một giai đoạn khó khăn, như đã xảy ra tại miền Bắc từ năm 1945 trở đi. Đàng khác ngày trở về không còn nữa và việc liên lạc với quê nhà, giáo phận, dòng tu sẽ rất khó khăn. Thêm vào đó viễn tượng làm việc ở nước ngoài cũng phức tạp, không dễ dàng, vì lạ người lạ cảnh, tiếng nói, tâm tình, phong tục, tập quán... Biết các lo âu ấy, Bộ Truyền Giáo cũng như Bề Trên các Dòng khuyến khích nâng đỡ để mọi người học cho xong, và nếu cần sẽ được giúp đỡ trong môi trường làm việc.

Trong bối cảnh mới đó Liên Tu Sĩ Roma tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nâng đỡ nhau như những người tha hương không ngày về. Tuy nhiên, số hội viên ngày càng giảm, vì từ Việt Nam không còn ai được gửi qua tu học nữa. Hội hầu như tan dần, chỉ còn lại ít vị có công việc làm tại Roma. Các anh chị đã học xong thì tìm đến các nước khác làm việc mục vụ. Từ nay sinh hoạt của Liên Tu Sĩ do các Linh Mục còn lại làm việc trong các Bộ của Tòa Thánh hoặc các Dòng tu, đảm nhận. Tuy các sinh hoạt vẫn được duy trì đều đặn, nhưng Liên Tu Sĩ dần dần già đi.

Sau năm 1979 làn sóng vượt biên ào ạt xảy ra khiến cho nhiều chủng sinh cũng theo thân nhân gia đình ra đi đến các nước khác. Bộ Truyền Giáo đã tiếp nhận những chủng sinh muốn tiếp tục theo đuổi ơn gọi linh mục của mình. Từ đó Liên Tu Sĩ Roma lại có thêm nhiều thành phần trẻ trung hơn. Sau này có thêm nhiều linh mục sinh viên triều và dòng từ các nước khác sang Roma tu học khiến cho số thành viên đông hơn, nhưng cũng không đem lại cho Liên Tu sĩ Roma nhiều sinh khí.

** Cho tới giữa thập niên 1980 nhiệm kỳ của Ban Chấp Hành chỉ kéo dài 1 năm. Nhưng sau đó việc bầu Ban Tân Chấp Hành gặp nhiều khó khăn, vì có nhiều vị được bầu “chối ngoay ngoảy” không chấp nhận. Nhiều vị trong buổi họp đầu năm sinh hoạt tự dưng biến mất “tưởng là đi lạc phải đi báo cảnh sát”, té ra vì sợ bị bầu làm Chủ Tịch hay thành viên Ban Chấp Hành. Sau đó mọi người đã đồng ý kéo dài nhiệm kỳ là 2 năm để tránh cảnh “dẫy nảy khủng hoảng đứng tim”.

Khi Cha Trần Văn Khả làm Chủ Tịch và Cha Cao Minh Dung làm Thư Ký, tờ “Liên Kết” được tái bản với tên mới là tờ “Liên Lạc Thông Tin Liên Tu sĩ Roma”, với hình thức và nội dung rất khiêm tốn, đánh máy và fotocopi. Sau đó nó trở thành “Bản Tin Liên Tu Sĩ Roma” đánh vi tính và fotocopi. Dưới thời cha Hoàng Minh Thắng làm Chủ Tịch, chị Đào Thị Thu Thủy OP làm Thư Ký, “Danh Sách LTSR” và “Bản Tin LTSR” có hình thức hoàn toàn mới mẻ, và được trình bầy đẹp hơn, nhờ công sức và hy sinh của Chị Đào Thủy. Từ nhiều năm nay, “Bản Tin Liên Tu Sĩ Roma” được gửi cho các hội viên qua hệ thống Internet.

Tuy nhiên, biến cố 30-4-1975 đã khiến cho Liên Tu Sĩ Roma và Giáo Hội tại Việt Nam đóng góp nhân lực cho một số cơ quan trung ương của Tòa Thánh, và các Đại Học Giáo Hoàng: Các Đức Ông làm trong các Bộ; các cha và các chị phục vụ cho hai Chương Trình Việt Ngữ Veritas và Vaticăng; các Linh Mục dòng triều giảng huấn tại các Đại Học Urbaniana, Angelicum, Antonianum, Regina Mundi, Castel Gandolfo, và giữ các chức Phân Khoa Trưởng hoặc Phó Giám Đốc Trung Tâm Linh Hoạt Truyền Giáo Quốc Tế (CIAM).

Năm 1994 đánh dấu một khúc rẽ mới với bốn Linh Mục đầu tiên từ Việt Nam sang du học, hai vị từ miền Bắc là Cha Giuse Đặng Đức Ngân (Hà Nội), Cha Phanxicô Xaviê Võ Thanh Tâm (Vinh), và hai vị từ miền Nam là Cha Phêrô Phạm Ngọc Phi (Nha Trang) và Cha Stephano Tri Bửu Thiên (Cần Thơ).

Trong cùng năm đó cũng có gần 10 Linh Mục khác từ Hoa Kỳ và Lào sang tu học. Và trong các năm kế tiếp số linh mục triều và dòng cũng như các nữ tu Việt Nam hay các nơi khác đến Roma động hơn. Đặc biệt số các nữ tu từ Việt Nam sang tu học gia tăng mạnh mẽ trong các năm 1996-1998, khiến cho “nữ thịnh nam suy”. Nhưng trong các năm 2005-2007 số các Cha và các Thầy từ Việt Nam hay các nơi khác đến Roma tu học tăng nhanh lại khiến cho “nam thịnh nữ suy”, và nâng tổng số các hội viên lên xê xích 200-230 người. Dĩ nhiên con số này vẫn còn qúa bé nhỏ, so với nhu cầu đào tạo giảng huấn và tông đồ mục vụ to lớn của Giáo Hội tại Việt Nam cũng như tại các nơi khác trên thế giới. Hy vọng trong tương lai Liên Tu Sĩ Roma có thể vui mừng đón tiếp nhiều hội viên hơn nữa.

** Tuy nhiên, phải cảm tạ Chúa vì Liên Tu Sĩ Roma được hồi sinh với các hội viên rất trẻ trung, hăng hái, sinh động và đa tài. Phần đóng góp của mọi người, đặc biệt của các Cha các Thầy và các Chị Don Bosco, các Chị Mến Thánh Giá Phát Điệm, các Chị Gia Đình Hồng ân Thiên Chúa, các Chị sinh viên Foyer Phaolo VI và Trung Tâm Giubileo khiến cho các buổi sinh hoạt, đặc biệt là các buổi văn nghệ mừng Xuân ngày càng mang sắc thái “nghề nghiệp” và tươi vui hứng khởi.

Không thể kết thúc đôi dòng lịch sử Liên Tu Sĩ Roma mà không nhắc đến niềm vui và hạnh phúc lớn lao của những người con sống xa quê hương nhưng được liên kết với Giáo Hội Mẹ một cách đặc biệt khắng khít. Nhịp cầu nối kết ấy được thể hiện và củng cố qua sự hiện diện khích lệ của các Hồng Y và Giám Mục Việt Nam trong các chuyến viếng thăm Tòa Thánh hay tham dự các cuộc họp của các cơ quan trung ương Tòa Thánh hoặc Thượng Hội Đồng Giám Mục. Chính trong những dịp gặp gỡ này Liên Tu Sĩ Roma biết được các khó khăn, thách đố âu lo, cũng như những niềm vui an ủi hy vọng và những tiến triển của Giáo Hội và quê hương dân tộc.

Đáng ghi nhớ là sự hiện diện của Đức Cha Giuse Maria Trịnh Văn Căn, Giám Mục Phó Hà Nội, tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm 1974. Sau hơn 20 năm đóng kín đây là lần đầu tiên một Giám Mục miền Bắc đến Roma tham dự sinh hoạt của Giáo Hội Hoàn Vũ. Năm 1980, lần đầu tiên trong lịch sử, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thống nhất sang Roma viếng mộ hai Thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh, chỉ trừ Đức Cha Đaminh Lê Hữu Cung vắng mặt. Trong lần “Ad Limina” năm 1985 chỉ có Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình và Đức Cha Huỳnh Đông Các. Trong hai lần “Ad Limina” 1990 và 1995 có đầy đủ hầu hết các Đức Cha trong Hội Đồng Giám Mục, chỉ thiếu 4 Đức Cha Huỳnh Văn Nghi, Nguyễn Văn Nam, Lê Phong Thuận và Nguyễn Văn Nhơn.

Đặc biệt Liên tu Sĩ Roma đã được tham dự các lễ nghi vinh thăng 5 Hồng Y của Giáo Hội Việt Nam: ĐHY Giuse Maria Trịnh Như Khuê (1976), ĐHY Giuse Maria Trịnh Văn Căn (1989), ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng (1995), ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (2001) và ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn (2003).

Ngoài ra Liên Tu Sĩ Roma cũng đã được hân hạnh góp phần trong một số biến cố quan trọng như lễ tôn phong Hiển Thánh 117 Vị Tử Đạo Việt Nam (19-6-1988), lễ phong chân Phước cho Thầy Giảng Anrê Phú Yên (5-3-2000) và đại hội Hội Ngộ Niềm Tin (24-27/7/2003).

Để sống tình hiệp thông trên đây một cách cụ thể các hội viên Liên Tu Sĩ Roma có truyền thống nhận một ngày trong tuần để cầu nguyện cho Giáo Hội và quê hương Việt Nam. Và hằng năm vào địp mừng Xuân mọi người tặng một chút quà tượng trưng gọi là “hái lộc cho Giáo Hội và quê hương Việt Nam”. Số tiền này được bỏ vào “Qũy Giáo Hội Việt Nam”. Dịp mừng Xuân Đinh Hợi “lộc cho Giáo Hội và quê hương Việt Nam” được hơn 1.000 Euros. Ngoài ra hằng ngày từ gần 30 năm qua có sự đóng góp âm thầm của các anh chị em trong hai Chương Trình Việt Ngữ Vaticăng và Veritas, cũng như những giúp đỡ khác theo các yêu cầu Giáo Hội từ Việt Nam gửi sang.

Bên cạnh các tin vui cũng có các tin buồn. Năm 2002 LTSR mất đi ba vị đàn anh đáng kính: Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ (16-7), ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (16-9) và cha Phêrô Trần Đoàn Kết (30-12).

Năm 2007, LTSR xuất bản cuốn Kỷ Yếu 50 năm.

**

Giai đoạn IV: từ 2007 đến 2017



Với số các Linh Mục, tu sĩ nam nữ tu học gia tăng, hầu như năm nào cũng có vài vị Tân Tiến Sĩ hay Tân Cử Nhân. Các vị đã học xong từ giã gia đình LTSR về nhà làm việc. Các vị mới tới thế chỗ các lớp đàn anh đàn chị để lại. Ngoài các cha thuộc các giáo phận và các dòng quốc tế như Đa Minh, Phanxicô Viện Tu, Chúa Cứu Thế, dòng Tên, Don Bosco, Anh Em Hèn Mọn, Ngôi Lời, Vinh Sơn, Camillô, Hiến Sinh Đức Mẹ Vô Nhiễm, Thừa Sai Đức Tin, Đạo Binh Chúa Kitô, Đan Viện Biển Đức Thiên An, Xitô Châu Sơn, Xitô Phước Sơn, dòng Truyền Giáo thánh Carolo Scalabrini, Tu hội truyền giáo Thánh Vinh Sơn, còn có các cha các thầy dòng Cát Minh, Thánh Thể, Thánh Tâm Chúa Giêsu, Chúa Ba Ngôi, Gioan Thiên Chúa, Biển Đức, cũng như các thày thuộc nhiều giáo phận và dòng tu Việt Nam. Cũng có một số vị đến từ Na Uy, Úc, Đan Mạch, Hoa Kỳ.

Về phiá các chị ngoài các dòng quốc tế như Đa Minh, thánh Phaolô thành Chartres, Tiểu Muội Chúa Giêsu, Con cái Đức Mẹ Phù Hộ, Têrexa Calcutta, Thừa Sai Phan Sinh Assisi, Gioanna Antida Thouret, Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, Tận Hiến Chúa Thánh Thần, Camelô, Thánh Clara Assisi, Ba Ngôi Rất Thánh, Phan Sinh Elidabét, Thừa sai Ursuline Thánh Tâm, Nữ tu Thừa Sai Đức Tin, Đức Bà Truyền Giáo, Nữ Tu Chúa Ba Ngôi Rất Thánh, Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Gia đình Hồng Ân Thiên Chúa, Nữ thừa tác các bệnh nhân thánh Camillo, Nữ tu Camelitane, Bác ái trong mọi sự, Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thêm vào đó là các chị Mến Thánh Giá, Đaminh, Mân côi các giáo phận, Khiết Tâm Đức Mẹ vv..

Hoa trái đầu tiên của thế hệ các linh mục tu học là ba Giám Mục miền bắc các Đức Cha Chu Văn Minh, Đặng Đức Ngân, Vũ Tất, và ĐC Tri Bửu Thiên miền nam. Trong thập niên 2007-2017, LTSR lại vui mừng được tin các cha cựu thành viên được bổ nhiệm làm Giám Mục ở Việt Nam: ĐC Nguyễn Năng, ĐC Đinh Đức Đạo, ĐC Nguyễn Văn Mạnh, ĐC Nguyễn Anh Tuấn. Đặc biệt, cha Nguyễn Văn Long OFMConv được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá gốc Việt Nam đầu tiên ở Úc (tổng địa phận Melbourne) và sau đó làm Giám mục chính tòa địa phận Parramatta (Sydney). ĐC Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu, GM Phụ Tá Tổng giáo phận Toronto Canada.

Vào cuối tháng 12 năm 2011 Đức Ông Đaminh Vũ Văn Thiện giám đốc Foyer Phát Diệm đã về nhà Cha. Thánh lễ tiến biệt ĐÔ dã được cử hành ngày mùng 4-1-2012 trong sân nhà Quản Lý Phát Diệm do cha Gioan Trần Mạnh Duyệt tân giám đốc chủ sự.

** Sự kiện Cha Giuse Bùi Công Trác được chỉ định làm Phó giám đốc Trường truyền giáo quốc tế thánh Phaolô (2012-2016) cũng là một tin vui cho LTSR, vì cũng từ đó Trường Thánh Phaolô là nơi duy nhất có đủ chỗ trở thành nơi sinh hoạt của cộng đoàn Việt Nam Roma trong các ngày lễ. Cha Trác đã giã từ LTSR để về làm Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.

Sau mấy chục năm làm việc tại Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích (1978-2008) năm 2009 Đức Ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả đã từ giã Roma để về hưu tại Việt Nam đồng thời giúp Giáo Hội quê nhà. Đức Ông đã qua đời ngày 17-11-2017 vừa qua. Năm sau đó Đức Ông Barnaba Nguyễn Văn Phương, sau hơn 40 năm làm việc tại Bộ Truyền Giáo, cũng từ giã Roma về hưu trí tại Vĩnh Long. Hiện Đức Ông là Cha Chính giáo Phận.

Trong các ngày cuối tháng giêng 2018 sau 20 năm làm việc tại Hội Đồng Toà Thánh Công Lý và Hoà Bình Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền cũng đã từ giã giáo đô và LTSR để về làm việc tại tổng giáo phận Los Angeles bên Hoa Kỳ.

Ngoài các lần được gặp gỡ các Giám Mục Việt Nam qua viếng thăm mộ hai Thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô, LTSR đã vui mừng tham dự các lễ nghi vinh thăng Hồng Y và tạ ơn của ĐTGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn ngày 14-2-2015.

Trong năm 2015 LTSR cũng vui mừng có thêm Đức Ông Phêrô Bùi Đại thuôc Hội Đồng Toà Thánh Cor Unum Đồng Tâm, và năm 2016 Đức Ông Gioan Baotixita Phạm Mạnh Cương làm việc trong Hội Đồng Giáo Hoàng về văn bản luật. Ngoài ra, cũng năm đó (2016), LTSR cũng vui mừng đưọc tin cha Toma Nguyễn Đình Anh Nhuệ 46 tuổi được bổ nhiệm làm Viện trường đại học Seraficum và là viện trưòng trẻ nhất trong các đại học ở Roma

Mừng 60 năm thành lập Liên Tu Sĩ Roma là dịp để các thành viên cùng nhau dâng lời chúc tụng cảm tạ Thiên Chúa đã cho mình có cơ hội đến Roma để sống những tháng năm hữu ích và hạnh phúc tại trung ương Giáo Hội Hoàn Vũ và có cơ may tu học hầu sau này phục vụ Giáo Hội tại quê hương Việt Nam cũng như tại các nơi khác trên thế giới. Đây cũng là dịp khích lệ các thành viên cố gắng tiếp tục thể hiện mục đích ban đầu của Liên Tu Sĩ Roma là tạo bầu khí yêu thương nhau, hiệp thông và cộng tác với nhau ngay từ Roma này để có thể hợp tác làm việc với nhau tại quê nhà.

Trong tâm tình tri ân chúc tụng Thiên Chúa LTSR cũng cảm ơn các Đức Hồng Y, và các Đức Cha đã luôn dành cho Liên Tu Sĩ Roma những cảm tình và sự khích lệ đặc biệt. Ngoài món quà tinh thần là lời cầu nguyện, đôi khi các vị còn tặng quă vật chất nữa.

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi, qua lời bầu cử của Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse, chúc lành cho các hội viên đang hiện diện tại Roma, trên quê hương Việt Nam hay đó đây toàn thế giới và cho mọi ân nhân gần xa. Xin Chúa Giêsu Kitô phục sinh cho những anh chị em đã qua đời được vui hưởng thánh nhan Chúa trên quê hương vĩnh cửu.

LM Giuse Hoàng Minh Thắng