Tuy thế, vẫn còn một số vấn đề tôi cần giải quyết. Tôi lấy sổ ghi chép của tôi ra và sẵn sàng thách thức McRay với ba điều khó hiểu lâu đời mà tôi nghĩ khảo cổ học cũng thấy khó giải thích.

Điều khó hiểu 1: Kiểm tra dân số

Các trình thuật về việc Chúa Giêsu sinh ra cho rằng Đức Maria và Thánh Giuse bị cuộc kiểm tra dân số buộc phải trở về thị trấn quê hương là Bêlem. Tôi nói, “Tôi xin phép nói thẳng thừng: điều này ngay bề ngoài xem ra phi lý. Làm thế nào chính phủ lại có thể buộc mọi công dân phải trở về nơi sinh quán? Có bằng chứng khảo cổ nào cho thấy loại kiểm tra dân số này đã xẩy ra?”



McRay thanh thản rút một bản cuốn sách của ông, vừa lần dở từng trang vừa trả lời, “thực sự, việc khám phá ra các hình thức kiểm tra dân số có rõi một chút ánh sáng về thực hành này”. Tìm được tài liệu tham khảo, ông trưng dẫn một lệnh chính thức của chính phủ vào khoảng năm 104 CN.

“Gaius Vibius Maximus, Thái thú Ai Cập (nói): thấy rằng thời giờ đã đến để tổ chức cuộc kiểm tra dân số từ nhà này sang nhà nọ, điều cần thiết là phải buộc tất cả những người vì bất cứ lý do gì cư ngụ ở ngoài tỉnh của họ trở về quê hương của họ, để họ có thể thi hành lệnh kiểm ta dân số thường lệ và cũng cần cù cày cấy mảnh đất đã cấp cho họ” (6).

Gấp cuốn sách lại, ông nói với tôi, “như ông thấy đấy, thực hành này được xác nhận bởi tài liệu này, dù cho kiểu đếm người đặc thù này có thể xem ra kỳ dị đối với ông.Và một tờ giấy cói khác, tờ này có từ năm 48 CN cho thấy rằng toàn bộ gia đình tham dự cuộc kiểm tra”.

Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa hoàn toàn giải quyết xong vấn đề. Luca nói rằng cuộc kiểm tra mang Đức Maria và Thánh Giuse tới Bêlem được tiến hành thời Quirinô là thống đốc ở Syria và dưới thời Đại vương Hêrốt.

Tôi nhấn mạnh, “Điều đó nêu ra một câu hỏi, vì Hêrốt chết năm 4 TCN, còn Quirinô mãi đến năm 6 CN mới làm tổng trấn Syria... Có cả một khoảng cách lớn ở đó; làm thế nào ông có thể giải quyết khoảng cách lớn như thế về niên đại được?”

McRay biết tôi sẽ nêu một vấn đề từng làm cho khoa khảo cổ loay hoay nhiều năm. Ông đáp bằng cách nói rằng: “một nhà khảo cổ lỗi lạc tên Jerry Vardaman đã làm việc nhiều trong khía cạnh này. Ông đã tìm được đồng tiền trên đó, có tên Quirinô bằng chữ rất nhỏ, điều người ta quen gọi là chữ “vi đồ họa” (micrographic). Điều này đặt ông vào vị thế thống đốc (proconsul) Syria và Cilicia từ năm 11 TCN tới sau cái chết của Hêrốt”.

Tôi thấy hơi lộn xộn, bèn hỏi, “điều đó có nghĩa gì?”

Ông trả lời, “Nó có nghĩa xem ra có hai Quirinô. Không lạ khi có nhiều người trùng tên La Mã với nhau, thành thử không có lý do gì để hoài nghi việc có hai người tên Quirinô. Xét vì chu kỳ cứ 14 năm lại có một lần kiểm tra dân số, thì việc này là điều rất có thể đã diễn ra”.

Điều trên, đối với tôi, có vẻ suy đoán, nhưng thay vì bị sa lầy trong cuộc đàm đạo này, tôi quyết định dẹp vấn đề này khỏi tâm trí để sau này hãy tính cách phân tích thêm. Khi tôi thực hiện một số tìm tòi thêm, tôi thấy Ngài William Ramsay, nguyên khảo cổ gia và giáo sư tại cả Đại Học Oxford lẫn Đại Học Cambridge bên Anh, đã xuất hiện với một lý thuyết tương tự. Từ một số bản khắc, ông kết luận rằng dù chỉ có một Quirinô, ông này cai trị Syria ở hai dịp khác nhau, bao trùm thời gian của cuộc kiểm tra dân số trước đó (7).

Các học giả khác nhấn mạnh rằng bản văn Luca có thể phiên dịch như sau: “Cuộc điều tra dân số lần này diễn ra trước khi Quirinô cai trị Syria”, điều này có lẽ sẽ giải quyết được vấn đề (8).

Vấn đề đã không được giải đáp như tôi mong đợi. Tuy nhiên, tôi phải nhìn nhận rằng McRay và nhiều người khác đã cung cấp một số giải thích có giá trị. Tôi có thể kết luận một cách tin tưởng rằng các cuộc kiểm tra dân số được tổ chức trong khung thời gian Chúa Giêsu sinh ra và quả người dân có bị buộc phải trở về nơi sinh quán, điều mà tôi vẫn lấy làm lạ!

Điều khó hiểu 2: Sự hiện hữu của Nadarét

Nhiều Kitô hữu không biết việc những người hoài nghi từ lâu vốn quả quyết rằng Nadarét không hề hiện hữu vào thời Tân Ước nói Chúa Giêsu sống tuổi thơ của Người tại đó.

Trong một bài báo tựa là “Những nơi Chúa Giêsu chưa bao giờ đi qua”, nhà vô thần Frank Zindler nhận định rằng Nadarét không được nhắc tới trong Cựu Ước, bởi Tông đồ Phaolô, bởi Talmud (mặc dù 63 thị trấn Galilê khác đã được trưng dẫn), hoặc bởi Josephus (người từng liệt kê 45 các làng mạc và thành phố của Galilê, kể cả Japha chỉ cách Nadarét ngày nay khoảng một dặm). Không sử gia nào hay nhà địa dư nào nhắc đến Nadarét trước đầu thế kỷ thứ tư (9). Tên này lần đầu tiên xuất hiện trong văn chương Do Thái qua bài thơ viết vào khoảng thế kỷ thứ 7 CN (10).



Việc thiếu bằng chứng này vẽ nên một bức tranh nghi ngờ. Nên tôi nêu vấn đề này với McRay: “Có bất cứ xác nhận nào của khoa khảo cổ cho thấy Nadarét hiện hữu vào thế kỷ thứ nhất không?”

Vấn đề này không mới lạ gì đối với McRay, ông trả lời ngay, “Tiến sĩ James Strange của Đại Học Nam Florida là một chuyên viên về khu vực này, và ông mô tả Nadarét như một nới rất nhỏ, khoảng 60 mẫu Anh, với tổng dân số tối đa là khoảng 480 người vào đầu thế kỷ thứ nhất.

Tuy nhiên, đó chỉ là kết luận, tôi muốn có bằng chứng nên tôi hỏi, “Làm thế nào ông ta biết như thế?”

“À, Strange nhận xét rằng khi Giêrusalem thất thủ năm 70 CN, các tư tế không còn được cần đến nữa trong đền thờ vì nó đã bị hủy diệt, thành thử họ được phái tới các địa điểm khác, tới cả Galilê. Các nhà khảo cổ đã tìm được cả một danh sách bằng chữ Aram mô tả 24 gia đình các tư tế được thuyên chuyển, và một trong số họ được chuyển tới Nadarét. Điều này chứng minh rằng ngôi làng nhỏ bé này phải hiện hữu ở đó vào lúc đó”.

Hơn nữa, ông cho hay có những cuộc đào xới khảo cổ đã khám phá các ngôi mộ ở thế kỷ thứ nhất ở gần Nadarét; điều này xác nhận ranh giới của làng vì theo luật Do Thái, các vụ chôn cất phải diễn ra ở ngoài thị trấn. Hai ngôi mộ chứa các đồ vật như đèn gốm, bình thủy tinh, và lọ từ các thế kỷ thứ nhất, thứ hai, thứ ba và thứ tư.

McRay với lấy một cuốn sách của nhà khả cổ nổi danh Jack Finegan, do Princeton University Press xuất bản. Ông lật qua, và đọc phân tích của Finegan: “Từ các ngôi mộ... người ta có thể kết luận Nadarét là một khu định cư của người Do Thái thời đế quốc La Mã” (11).

McRay nhìn tôi và nói, “đã có tranh luận về địa điểm của một số nơi ở thế kỷ thứ nhất như chính xác thì ngôi mộ của Chúa Giêsu ở đâu, nhưng giữa các nhà khảo cổ, chưa bao giờ thực sự có hoài nghi lớn lao về địa điểm của Nadarét. Trách nhiệm cung cấp bằng chứng thuộc về những người tranh luận sự hiện hữu của nó”.

Điều đó xem ra hợp lý. Ngay người hay hoài nghi là Ian Wilson, trưng dẫn các phế tích tìm được năm 1955 dưới Nhà thờ Truyền tin tại Nadarét ngày nay, cũng đã thừa nhận, “những phát hiện này cho thấy Nadarét có thể đã hiện hữu vào thời Chúa Giêsu, nhưng chắc chắn nó chỉ là một nơi rất nhỏ và vô nghĩa” (12).

Vô nghĩa đến nỗi lời của Nathanaen ở Gioan 1:46 nay càng có nghĩa hơn nữa. Ngài nói, “làm sao có gì tốt phát xuất từ Nadarét cho được?”

Điều khó hiểu 3: Tàn sát tại Bêlem

Tin mừng Mátthêu vẽ ra một khung cảnh rùng rợn: Hêrốt đại vương, vua Giuđa, vì cảm thấy bị đe dọa bời việc sinh ra đời của một hài nhi ông sợ cuối cùng sẽ tiếm ngai vàng của ông, nên đã phái quân đội của ông đến Bêlem sát hại mọi trẻ em dưới hai tuổi. Tuy nhiên, được thiên thần báo mộng, Thánh Giuse đã đem Đức Maria và Hài nhi Giêsu trốn qua Ai Cập. Chỉ sau khi Hêrốt đã chết, các ngài mới trở về định cư tại Nadarét, toàn bộ tình tiết này đã ứng nghiệm ba lời tiên tri xưa về Đấng Mêxia (Xem Mt 2:13-23).



Vấn đề là: không có sự xác nhận độc lập nào là vụ sát hại hàng loạt này đã diễn ra. Không có gì trong các trước tác của Josephus và các sử gia khác. Không có sự hỗ trợ nào của khoa khảo cổ. Không hề có hồ sơ hay tài liệu nào.

Tôi nhấn mạnh, “chắc chắn một biến cố lớn lao như thế này phải được một ai đó ngoài Mátthêu ghi nhận chứ. Với việc hoàn toàn vắng bóng bất cứ sự chứng thực nào của lịch sử hay của khoa khảo cổ, há không hợp lý hay sao khi kết luận rằng vụ thảm sát này không hề xẩy ra?”

McRay trả lời, “tôi có thể thấy tại sao ông nói vậy, vì ngày nay, một biến cố như thế chắc chắn sẽ được chiếu khắp CNN và mọi cơ sở truyền thông khác.”.

Tôi đồng ý. Thật vậy, năm 1997 và 1998, đã có hàng loạt tin tức về những người cực đoan Hồi giáo không ngừng lùng sục và sát hại gần như toàn bộ các làng mạc, kể cả đàn bà và trẻ em, tại Algeria. Toàn thế giới ai cũng biết.

McRay nói thêm, “nhưng ông nên đặt mình vào thế kỷ thứ nhất và lưu ý một vài điều. Thứ nhất, Bêlem có lẽ chẳng lớn hơn gì Nadarét, nên thử hỏi, có bao nhiêu trẻ sơ sinh cở tuổi ấy ở đó trong một ngôi làng dân số chỉ năm hay sáu trăm người? Chắc chắn không phải hàng nghìn, hàng trăm, dù chắc chắn vài em là cùng.

“Thứ hai, Hêrốt đại vương, là ông vua khát máu: ông ta giết cả các thành viên trong gia đình ông ta; ông ta hành quyết bất cứ ai có thể thách thức ông ta. Nên sự kiện ông ta giết một vài trẻ sơ sinh ở Bêlem làm sao thu hút được sự chú ý của người ta trong thế giới La Mã.

“Và thứ ba, hồi ấy làm gì có truyền hình, truyền thanh hay báo chí. Cần phải có thời gian lâu, lời truyền miệng về việc này mới đi xa, nhất là từ ngôi làng nhỏ bé ở một vùng đồi núi xa xăm gần như không ai lưu ý, còn các sử gia, họ có biết bao chuyện lớn lao cần phải viết về”.

Là một nhà báo, điều ấy khá khó để chấp nhận. Tôi tỏ vẻ hoài nghi, “Chuyện này không đáng được kể lại hay sao?”

Ông nói, “tôi không nghĩ nó đáng, ít nhất trong lúc ấy. Một thằng điên sát hại mọi người xem ra có tiềm năng đe dọa nó, đó là chuyện thường tình đối với Hêrốt. Dĩ nhiên, sau đó, khi Kitô giáo phát triển, biến cố này mới trở nên quan trọng, nhưng tôi sẽ ngạc nhiên nếu chuyện này gây sôn sao dư luận lúc ấy”.

Có thể như vậy, nhưng điều này khá khó để tưởng tượng đối với một nhà báo từng được huấn luyện để đánh hơi tin tức trong thời đại kỹ thuật cao với truyền thông nhanh và cùng khắp thế giới. Đồng thời, tôi phải thừa nhận rằng từ những gì tôi biết về khung cảnh đẫm máu của Palestine xưa, giải thích của McRay xem ra hợp lý.

Điều ấy để lại một phạm vi khác tôi muốn được thăm dò. Và với tôi, nó là phạm vi lôi cuốn hơn cả.

Điều khó hiểu về Sách Cuộn Biển Chết

Ai cũng phải nhận, khảo cổ học có sức hấp dẫn của nó. Những ngôi mộ cổ, những bản khắc vào đá hay nguệch ngoạc vào giấy cói khó hiểu, những mảnh đồ gốm vỡ tan, những đồng tiền cũ kỹ, tất cả đều là những manh mối trêu ngươi đối với một nhà điều tra cố đế. Nhưng ít có di tích nào của quá khứ đã sản sinh ra nhiều hứng thú cho bằng Các Sách Cuộn Biển Chết, hàng trăm bản chép tay có từ năm 250 TCN tới năm 68 CN được tìm thấy năm 1947 trong các hang động cách đông Giêrusalem khoảng 20 dặm. Dường như nó đã được giáo phái Do Thái Giáo có tên là Essenes cất giấu trước khi người La Mã hủy diệt cơ sở của họ.



Một số chủ trương kỳ lạ đã được phát biểu về các sách cuộn này, trong đó, có cuốn sách phi lý của John Marco Allegro, trong đó, ông cho rằng Kitô giáo phát sinh từ phái thờ sinh sản trong đó, các tín hữu phiêu diêu nhờ các thứ nấm gây ảo giác (13). Trong một quả quyết chính đáng hơn nhưng vẫn đáng ngờ vực, chuyên gia về tài liệu giấy cói, Jose O’Callaghan, nói rằng các mảnh Biển Chết là một phần của một thủ bản xưa nhất từng tìm thấy của tin mừng Máccô, được định niên biểu vào năm thứ 17 hay 20 sau khi Chúa Giêsu bị đóng đinh. Tuy nhiên, nhiều học giả tiếp tục hoài nghi lời giải thích của ông (14).

Dù sao, không cuộc tìm tòi khảo cổ nào về thế kỷ thứ nhất đầy đủ nếu không tìm hiểu các sách cuộn. Nên tôi hỏi McRay, “Chúng có cho chúng ta hay bất cứ điều gì trực tiếp về Chúa Giêsu không?”

Ông trả lời, “À, không, Chúa Giêsu không chuyên biệt được nhắc đến trong bất cứ sách cuộn nào. Chủ yếu, các sách cuộn này cung cấp cho chúng ta các tầm nhìn thông suốt về đời sống và phong tục Do Thái”. Rồi ông rút ra một số giấy tờ và chỉ vào một bài báo được công bố năm 1997, và nói thêm, “Mặc dù, có một sự phát triển rất đáng lưu ý liên hệ tới bản chép tay có tên là 4Q521 cho chúng ta thấy điều gì đó về việc Chúa Giêsu tự coi mình là ai”.

Điều đó gây chú ý nơi tôi, tôi nói với một giọng rất khẩn trương, “Nói cho tôi hay về điều đó đi”.

McRay bật mí mầu nhiệm. Tin mừng Mátthêu mô tả thánh Gioan Tẩy giả, bị giam cầm và đang vật lộn với nhiều nỗi hoài nghi dai dẳng về căn tính của Chúa Giêsu, đã sai các môn đệ tới hỏi Chúa Giêsu câu hỏi trọng đại này: “ngài có phải là đấng phải đến, hay chúng tôi vẫn phải chờ một vị khác?” (Mt 11:3). Thánh nhân muốn tìm một câu trả lời thẳng thắn về việc liệu Chúa Giêsu có thực sự là Đấng Mêxia hằng mong chờ hay không.

Qua nhiều thế kỷ, Kitô hữu vẫn thắc mắc về câu trả lời khó hiểu của Chúa Giêsu. Thay vì trực tiếp nói có hay không, Chúa Giêsu lại trả lời, “hãy trở về và tường trình cho Gioan hay những điều các ông nghe và thấy: người mù trông thấy, người què bước đi, người phong cùi được chữa khỏi, người điếc nghe thấy, người chết sống lại, và tin mừng được giảng dậy cho người nghèo” (Mt 11:4-5).

Câu trả lời của Chúa Giêsu có ý nhắc đến Isaia 61. Nhưng vì một lý do nào đó, Chúa Giêsu thêm vào câu “người chết sống lại” là câu hiển nhiên không có trong bản văn Cựu Ước.

Đó là chỗ 4Q521 can thiệp. Bản chép tay không phải là KinhThánh thuộc bộ Sách Cuộn Biển Chết này, được viết bằng tiếng Do Thái, có niên biểu 30 năm trước khi Chúa Giêsu sinh ra đời. Nó có chứa một ấn bản Isaia 61 trong đó có câu “kẻ chết sống lại”.

McRay cho hay, “[Học giả sách cuộn Craig] Evans đã chỉ ra rằng câu này trong 4Q521 chắc chắn được lồng vào ngữ cảnh Mêxia. Nó có ý nói đến những kỳ công mà Đấng Mêxia sẽ làm khi Người xuất hiện và khi trời và đất vâng lời Người. Nên khi Chúa Giêsu trả lời Gioan, Người không hề hồ đồ. Gioan lập tức sẽ nhận ra lời lẽ của Người như một công bố rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêxia”.

McRay thẩy cho tôi bài báo trong đó Evans được trích dẫn phát biểu rằng, “4Q521 làm sáng tỏ điều này: việc Chúa Giáng Sinh nại đến Isaia 61 quả tình có tính Mêxia. Trong yếu tính, Chúa Giêsu muốn nói cho Gioan, qua các môn đệ của ngài là, những điều có tính thiên sai đang diễn ra. Cho nên điều trả lời cho câu hỏi [của Gioan] là: Đúng, Người là Đấng phải đến” (15).

Tôi ngả lưng vào ghế. Với tôi, khám phá của Evans đã xác nhận căn tính của Chúa Giêsu một cách đáng lưu ý. Điều làm tôi ngạc nhiên là khoa khảo cổ hiện đại đã có thể mở khóa ý nghĩa của một câu nói trong đó, Chúa Giêsu mạnh bạo quả quyết gần hai ngàn năm trước đây rằng Người quả thật là Đấng được xức dầu của Thiên Chúa.

“Một cuốn sách có nguồn chính xác rất đáng kể”

Việc khảo cổ học liên tiếp khẳng định tính chính xác của Tân Ước cung cấp việc chứng thực quan trọng cho tính đáng tin cậy của nó. Điều này trái ngược sắc nét với việc khoa này tự chứng minh mình gây tai họa ra sao cho giáo phái Mormon.

Mặc dù Joseph Smith, người sáng lập ra giáo phái Mormon, cho rằng Sách Mormon của ông là “sách chính xác nhất trên trái đất” (16), khoa khảo cổ đã liên tiếp không thể chứng minh được các tuyên bố của ông về các biến cố cho rằng đã diễn ra rất lâu trước đây ở Mỹ Châu.



Tôi nhớ từng viết cho Viện Smithsonian để hỏi xem liệu có bất cứ bằng chứng nào nâng đỡ các tuyên bố của phái Mormon hay không, để chỉ nhận được câu trả lời không hàm hồ rằng các nhà khảo cổ của nó thấy “không có kết nối trực tiếp nào giữa khoa khảo cổ của Tân Thế Giới và vấn đề chủ đề của cuốn sách”.

Như các tác giả John Ankerberg và John Weldon đã kết luận trong cuốn sách về chủ đề, “Nói cách khác, không có các thành phố của Sách Mormon nào được định vị trí, không một người, nơi chốn, quốc gia hay tên tuổi nào của Sách Mormon đã được tìm thấy, không một đồ tạo tác nào của Sách Mormon, không một sách thánh nào của Sách Mormon, một một bản khắc nào của Sách Mormon... Không một điều gì chứng minh Sách Mormon là gì ngoại trừ là huyền thoại hay sáng chế đã từng được khám phá” (17).

Tuy nhiên, câu truyện hoàn toàn khác đối với Tân Ước. Các kết luận của McRay đã được nhắc lại bởi nhiều khoa học gia khác, trong đó, có nhà khảo cổ lỗi lạc người Úc, Clifford Wilson, người từng viết, “nay, những ai biết sự kiện đều thừa nhận rằng Tân Ước phải được chấp nhận là sách nguồn chính xác rất đáng kể” (18).

Với Craig Blomberg đã xác lập tính đáng tin cậy từ trong yếu tính của các tài liệu Tân Ước, Bruce Metzger đã xác nhận việc lưu truyền chúng một cách chính xác trong lịch sử, Edwin Yamauchi đã chứng minh sự chứng thực rộng dài của các sử gia cổ thời và nhiều người khác, và nay John McRay đã chứng minh việc khoa khảo cổ nhấn mạnh tính đáng tín thác của chúng, tôi phải nhất trí với Wilson. Lý lẽ bênh vực Chúa Kitô, dù không đầy đủ, nhưng đã được xây dựng trên nền đá vững chắc.

Đồng thời, tôi biết có một vài vị giáo sư nổi tiếng không đồng ý với lượng định này. Qúy bạn từng thấy họ được trích dẫn trên Newsweek và được phỏng vấn trên tin tức buổi tối, nói tới việc tái lượng định về Chúa Giêsu. Nay đã đến lúc để tôi trực diện đối đầu với các phê phán của họ trước khi tôi tiến xa hơn trong cuộc điều tra của tôi. Điều này có nghĩa tôi phải tới Minesota để phỏng vấn một học giả hăng hái, được Yale giáo dục, có tên là Tiến sĩ Gregory Boyd.

Tài liệu đọc thêm:

Finegan, Jack. The Archaeology of the New Testament [Khảo cổ học của Tân Ước], Princeton: Princeton Univ. Press, 1992

McRay, John. Archaeology and the New Testament [Khảo cổ học và Tân Ước]. Grand Rapids: Baker 1991.

Thompson, J.A. The Bible and Archaeology [Kinh Thánh và Khảo cổ học]. Grand Rapids: Eerdmans, 1975.

Yamauchi, Edwin. The Stones and the Scriptures [Những Viên đá và Sách Thánh]. New York: J.B. Lippencott, 1972.

Ghi chú

(1) Muốn biết trọn câu truyện, xin xem Joe McGinnis, Fatal Vision [Viễn kiến Chết người] (New York: New American Library, 1989). Muốn có mô tả bằng chứng khoa học, xin xem Colin Evans, The Casebook of Forensic Detection [Sách Những Trường hợp Điển hình của Khám phá pháp y](New York: John Wiley & Sons, 1996) 277-80

(2) Lc 18:35; Mc 10:46.

(3) Norman Geisler và Thomas Howe, When Critics Ask [Khi các Nhà Phê bình hỏi] (wheaton, Ill.: Victor,1992) 385.

(4) John Ankerberg and John Weldon, Ready with an Answer [Sẵn sàng có Câu Trả lời] (Eugene, Ore.: Harvest House, 1997) 272.

(5) Michael Martin, The Case Against Christianity [Lý lẽ Chống Kitô giáo](Philadelphia: Temple Univ. Press, 1991) 69.

(6) John McRay, Archaeology and the New Testament [Khảo cổ học và Tân Ước].(Grand Rapids: Baker 1991) 155

(7) Robert Boyd, Tells, Tombs, and Treasure [Những truyện kể, những ngôi mộ và kho báu](Grand Rapids: Baker 1969), 175, trích dẫn trong Habermas, The Historical Jesus, 172.

(8) Geisler and Howe, When Critics Ask[Khi các Nhà Phê bình hỏi], 185.

(9) Frank Zindler, “Where Jesus Never Walked [Nơi Chúa Giêsu không bao giờ lui tới]”, American Atheist (Winter 1996-1997) 34.

(10) Ian Wilson, Jesus: The Evidence [bằng chứng](1984, in lại, San Francisco: HarperSanFrancisco 1988) 67.

(11) Jack Finegan, The Archaeology of the New Testament [Khảo cổ học của Tân Ước](Princeton: Princetom Univ. Press, 1992), 42.

(12) Wilson, Jesus: Evidence[Chúa Giêsu: Bằng chứng].

(13) Wilkins and Moreland, Jesus Under Fire [Chúa Giêsu bị tấn công], 209.

(14) Ibid., 211.

(15) Kevin D. Miller, “The War of the Scrolls” [Cuộc chiến Sách Cuộn], Christianity Today, (6 tháng 10, 1997), 44.

(16) Joseph Smith, History of the Church [Lịch sử Giáo hội]8 cuốn (Salt Lake City: Deseret, 1978) 4:461, trích dẫn trong Donald S. Tingle, Mormonism (Downers Grove Ill.: InterVarsity Press, 1981) 17.

(17) John Ankerberg and John Weldon, The Facts on the Mormon Church [Các sự kiện về Giáo hội Mormon](Eugene, Ore.: Harvest House, 1991), 30.

(18) Clifford Wilson, Rocks, Relics and Bible Reliability [Các Di tích và Tính đáng tin của Kinh thánh](Grand Rapids: Zondervan; Richardson, Tex.:Probe, 1977) 120, trích dẫn trong Ankerberg and Weldon, Ready with an Answer{ Sẵn sàng có câu trả lời], 272.