Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, thứ Tư, ngày 24 tháng 5 năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý nói về niềm đam mê rao giảng Tin mừng của ngài, nhấn mạnh tới chứng tá của Thánh Anrê Kim Tae-gon. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh công bố



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trong loạt bài giáo lý mà chúng ta đang đảm nhiệm, chúng ta đặt mình vào trường học của một số vị thánh, là những chứng nhân gương mẫu, dạy chúng ta lòng nhiệt thành tông đồ. Chúng ta hãy nhớ chúng ta đang nói về lòng nhiệt thành tông đồ, đó là điều chúng ta phải có để loan báo Tin Mừng.

Hôm nay chúng ta sẽ tìm được một tấm gương tuyệt vời của một vị thánh đam mê truyền giáo ở một vùng đất xa xôi, đó là Giáo hội Hàn Quốc. Chúng ta hãy nhìn vào vị tử đạo Đại Hàn và là linh mục đầu tiên, Thánh Anrê Kim Tae-gon.

Nhưng, linh mục đầu tiên của Hàn Quốc: anh chị em có biết điều gì không? Việc truyền giáo của Hàn Quốc được thực hiện bởi giáo dân! Chính giáo dân đã được rửa tội đã truyền bá đức tin, không có linh mục, vì không có các ngài. Rồi, sau đó... nhưng việc truyền giáo đầu tiên được thực hiện bởi giáo dân. Liệu chúng ta có khả năng làm một điều gì đó như thế chăng? Hãy nghĩ về nó: thật đáng lưu ý. Và đây là một trong những linh mục đầu tiên, Thánh Anrê. Cuộc đời của ngài đã và vẫn là một bằng chứng hùng hồn về việc loan báo Tin Mừng, về lòng nhiệt thành đối với việc này.

Khoảng 200 năm trước, đất nước Đại Hàn là nơi xảy ra một cuộc bách hại rất khốc liệt: các Kitô hữu bị bách hại và tiêu diệt. Vào thời điểm đó, tin vào Chúa Giêsu Kitô ở Hàn Quốc có nghĩa là sẵn sàng làm chứng cho đến chết. Một cách chuyên biệt từ gương của Thánh Anrê Kim, chúng ta có thể rút ra hai khía cạnh cụ thể trong cuộc đời của ngài.

Đầu tiên là cách ngài quen gặp các tín hữu. Trước bối cảnh rất đáng sợ, thánh nhân buộc phải tiếp cận các Kitô hữu một cách kín đáo, vì luôn có sự hiện diện của nhiều người khác, như thể họ đã nói chuyện với nhau từ lâu. Rồi, để xác nhận danh tính Kitô hữu của người đối thoại với mình, Thánh Anrê sẽ thực hiện các phương thế sau đây: thứ nhất, có một dấu hiệu nhận biết đã được thống nhất trước đó: “Cha sẽ gặp Kitô hữu này và họ sẽ có dấu hiệu này trên trang phục hoặc trên tay của họ.” “Và sau đó, ngài sẽ bí mật đặt câu hỏi—nhưng tất cả những câu hỏi này đều là những câu hỏi thầm thĩ thôi, hỉ?—“Ông có phải là môn đệ của Chúa Giêsu không?” Vì những người khác đang theo dõi cuộc nói chuyện, nên thánh nhân phải nói nhỏ giọng, chỉ nói một vài chữ, những chữ thiết yếu nhất. Vì vậy, đối với Thánh Anrê Kim, cụm từ tóm tắt toàn bộ danh tính của Kitô hữu là “môn đệ của Chúa Kitô”. “Ông có phải là môn đệ của Chúa Kitô không?”—nhưng bằng một giọng nhẹ nhàng vì điều đó rất nguy hiểm. Người theo Kitô giáo bị cấm ở đó.

Thật vậy, làm môn đệ của Chúa có nghĩa là đi theo Người, đi theo con đường của Người. Và Kitô hữu tự bản chất là người rao giảng và làm chứng cho Chúa Giêsu. Mọi cộng đồng Kitô hữu đều nhận được căn tính này từ Chúa Thánh Thần, và toàn thể Giáo hội cũng vậy, kể từ ngày Lễ Hiện Xuống (x. Công đồng Vat. II, Sắc lệnh Ad gentes, 2). Chính từ Chúa Thánh Thần này mà chúng ta nhận được niềm đam mê, niềm đam mê rao giảng Tin Mừng, lòng nhiệt thành tông đồ lớn lao này; đó là quà tặng của Chúa Thánh Thần, Đấng ban tặng. Và ngay cả khi bối cảnh xung quanh không thuận lợi—như bối cảnh Hàn Quốc của Thánh Anrê Kim—thì quà tặng này cũng không thay đổi; ngược lại, nó càng trở nên có giá trị hơn. Thánh Anrê Kim và các tín hữu Đại Hàn khác đã chứng tỏ rằng việc làm chứng cho Tin Mừng trong thời gian bị bách hại có thể mang lại nhiều hoa trái cho đức tin.

Bây giờ chúng ta hãy xem xét thí dụ cụ thể thứ hai. Khi còn là chủng sinh, thánh Anrê đã phải tìm cách lén lút đón các linh mục truyền giáo từ nước ngoài. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, vì chế độ thời đó nghiêm cấm tất cả người nước ngoài vào lãnh thổ. Đó là lý do tại sao, trước đây, rất khó tìm được một linh mục có thể đến làm công việc truyền giáo: giáo dân đảm nhận việc truyền giáo.

Anh chị em hãy nghĩ về những gì Thánh Anrê đã làm - một lần, ngài đi bộ trong tuyết, không ăn đã quá lâu đến nỗi ngài kiệt sức ngã xuống đất, có nguy cơ bất tỉnh và chết cóng. Lúc ấy, ngài bỗng nghe có tiếng nói: “Hãy đứng dậy, bước đi!” Nghe thấy giọng nói đó, Thánh Anrê sực tỉnh, thoáng thấy có gì đó giống như bóng ai đang hướng dẫn mình.

Kinh nghiệm này của vị chứng nhân vĩ đại Hàn Quốc làm cho chúng ta hiểu một khía cạnh rất quan trọng của lòng nhiệt thành tông đồ; cụ thể là can đảm đứng dậy khi ngã xuống.

Nhưng các thánh có sa ngã không? Có! Thật vậy, từ thời xa xưa nhất. Anh chị em hãy nghĩ tới Thánh Phêrô: ngài đã phạm một tội lỗi lớn phải không? Nhưng ngài đã tìm được sức mạnh trong lòng thương xót của Chúa và đứng dậy trở lại. Và nơi Thánh Anrê, chúng ta thấy sức mạnh này: ngài đã ngã quỵ về thể xác nhưng ngài có sức mạnh để đi, đi, đi để mang thông điệp tiến về phía trước.

Bất kể hoàn cảnh có thể khó khăn đến đâu – và thực sự, đôi khi dường như không còn chỗ cho sứ điệp Tin Mừng – chúng ta không được bỏ cuộc và không được từ bỏ việc theo đuổi điều thiết yếu trong đời sống Kitô hữu của chúng ta: đó là rao giảng Tin Mừng.

Đấy là con đường. Và mỗi người chúng ta có thể tự nghĩ: “Còn tôi thì sao, tôi có thể rao giảng Tin Mừng bằng cách nào?” Nhưng anh chị em nhìn vào những người vĩ đại này và xem xét sự nhỏ bé của mình, chúng ta xem xét sự nhỏ bé của chúng ta: truyền giáo trong gia đình, truyền giáo cho bạn bè, nói về Chúa Giêsu – nhưng nói về Chúa Giêsu và truyền giáo với một trái tim tràn đầy niềm vui, tràn đầy sức mạnh. Và điều này được ban cho bởi Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy chuẩn bị đón nhận Chúa Thánh Thần trong Lễ Hiện Xuống sắp tới, và xin Người ban ơn đó, ơn can đảm tông đồ, ơn rao giảng Tin Mừng, luôn mang sứ điệp của Chúa Giêsu tiến bước. Cảm ơn anh chị em.