Nếu Quý Vị có dịp theo dõi những tin tức đã được đăng tải trên Vietcatholic trong những ‘Năm-Tháng’ gần đây về vấn đề Mục Vụ Di Dân ‘Trong Nước và Ngoài Nước’, chắc hẳn cho dù là Giáo Dân cũng phải ưu tư về Đời Sống Tâm Linh của những anh chị em vì hoàn cảnh ‘Kinh Tế’ phải đi làm ăn xa ở Nước Ngoài huống chi là ‘Giáo Hội - Mẹ Thánh’ như Mã Lai, Singapore, Đài Loan, Macau, Nam Dương, Phi Luật Tân, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… hoặc rời Miền Bắc, Miền Trung vào Miền Nam lập nghiệp…

Trong trang Web của Vietcatholic, thỉnh thoảng chúng ta đọc được những bài viết của những Linh Mục ‘Thừa Sai’ Việt Nam đang phục vụ ở các nước thuộc khu vực Đông Nam Á đã phần nào Thiện Nguyện ‘Mục Vụ Di Dân Ngoại Lệ’ cho những Đồng Bào Việt Nam không phân biệt tôn giáo, ngoài những bổn phận chính của các ngài là trông coi Giáo Xứ Địa Phương hay của Dòng Tu. Đa số các Linh Mục nầy thuộc về những Dòng Tu hay Tu Hội Ngoại Quốc. “Dường Như” chưa có một Linh Mục Triều nào chính thức được ‘Bổ Nhiệm hay Sai Đi’’ làm Mục Vụ cho Người Đồng Hương Công Nhân’ từ Giáo Hội Việt Nam tại các Quốc Gia thuộc Vùng Đông Nam Á.

Chẳng hạn như một Linh Mục thuộc Tu Hội Thừa Sai Paris trông coi một giáo xứ tại Singapore, sáng thứ Bảy được các “Công Nhân Thiện Nguyện” ở Singapore trở thành “Những Kitô Hữu Thiện Nguyện” lái xe đưa cha sang Mã Lai dâng lễ chiều thứ Bảy cho Công Nhân Việt Nam rồi đêm hôm ấy ‘Cha Con’ phải vượt qua biên giới Mã Lai - Singapore miễn sao Cha về kịp để làm những lễ Chủ Nhật cho giáo xứ.

Một trong những lý do có thể là những quốc gia đang dung nạp Công Nhân đến từ Việt Nam không chấp nhận Linh Mục Việt Nam đến những nước mà Hồi Giáo là Quốc Giáo hoặc vì một lý do nào đó mà Các Đấng Bản Quyền không thể cắt cử Linh Mục sang phục vụ Công Nhân Công Giáo ở nước ngoài được… Nhưng có một điều mà có lẽ ai trong chúng ta cũng phải thừa nhận rằng Đời Sống Tinh Thần của ‘Công Nhân Việt Nam - Con Chiên của Giáo Hội Việt Nam’ đang làm việc ở các nước ở Đông Nam Á đang thiếu trầm trọng sự ‘Chăm Sóc Mục Vụ của Những Vị Mục Tử (Linh Mục) Việt Nam’.

Trong phạm vi bài viết nầy, tôi chỉ ước ao trình bày một vài dữ kiện cụ thể sinh hoạt hằng tuần hay hằng tháng của những Anh Chị Em Việt Nam vừa là ‘Công Nhân Thiện Nguyện’ vừa là ‘Kitô Hữu Thiện Nguyện’ đang làm việc hay sinh sống trên đất nước Singapore. Họ là những ‘Công Nhân Viên Chức - Sinh Viên - Hôn Nhân Dị Chủng’. Họ đến Singapore từ Úc, Mỹ, Đức, Âu Châu, Việt Nam… do hợp đồng của các Công Ty Quốc Tế làm việc cho những cơ quan có tính cách Quốc Tế. Một số khác họ đến Singapore để ‘Lập Nghiệp’ hay theo đuổi một ‘Phân Khoa Đại Học…’ những thành phần kể trên được hưởng nhiều quyền lợi ưu tiên theo cấp bằng hay chức năng của họ hơn những anh chị em Việt Nam Công Nhân đã được Đại Diện các Hãng Xưởng Xí Nghiệp ở Singapore hay Mã Lai sang Việt Nam tuyển dụng nhân công hoặc qua các Công Ty Đại Diện của họ tại Việt Nam tuyển dụng rồi đưa sang Singapore hay Mã Lai làm việc theo một hợp đồng thỏa thuận nào đó…

Cách đây gần 2 năm, tôi có viết một số bài về tình trạng của Công Nhân Việt Nam đang làm việc tại Mã Lai được đăng trên Vietcatholic… sau vài lần thăm viếng Mã Lai. Một Đức Cha người Mã mà tôi có dịp quen biết trên 26 năm từ những tháng ngày tôi đặt chân đến đảo Pulau Bidong, Mã Lai vào năm 1982 cho đến những năm sau nầy, dù đã định cư ở Đệ Tam Quốc Gia, tôỉ đã nhiều lần trở lại Mã Lai để thăm những đồng bào ở các trại tỵ nạn… tôi cũng đã gặp lại Ngài vẫn là một Linh mục Dòng Tên, sau đó lên làm Bề Trên Dòng và được Dòng bổ nhiệm làm việc bên Roma trên 10 năm. Sau đó, về lại Mã Lai… cho đến khi được bổ nhiệm làm Giám Mục Melaka-Johor ngày 13 tháng 2 năm 2003… có lẽ với thời gian dài 26 năm, tình bạn giữa chúng tôi đã trở nên nghĩa thiết hơn. Tính từ thời gian Ngài được Tấn Phong Giám Mục - 15 tháng 5 năm 2003 - cho đến nay, tôi đã đến thăm Ngài và Giáo Phận Melaka-Johor được 3 lần.

Trên xe từ phi trường Singapore đưa tôi sang Johor Bahru là phần đất của nước Mã Lai - Giáo Phận của Ngài nằm sát biên giới Mã Lai và Singapore - trong lần đầu tiên cách nay khoảng 3 năm, Ngài đã muốn tôi sang phục vụ Giáo Phận của Ngài và đồng thời lo Mục Vụ cho Người Di Dân đến từ Quê Mẹ Việt Nam. Trong thời gian thăm viếng Giáo Phận Melaka-Johor, Ngài đã đưa tôi đi tham quan những giáo xứ mà có nhiều Công Nhân Việt Nam đang tạm trú để tôi có một cái nhìn về hoàn cảnh của Công Nhân Việt Nam đang phải đương đầu vì kế sinh nhai nơi đất khách quê người.

Ngài cũng nhờ tôi tìm một Dòng Tu ở Việt Nam sang Giáo Phận của Ngài cũng để lo cho Di Dân Việt Nam. Về phía Dòng Tu, tôi đã giới thiệu cho Ngài và các nữ tu đã đặt chân đến Giáo Phận của Ngài vào trung tuần tháng Tư vừa qua theo tôi được biết là như vậy.

Cám tạ ơn Chúa đã ban cho “Nhịp Cầu Tiên Khởi” mà tôi đã bắt nối liền Mục Vụ Tông Đồ Di Dân giữa Đất Khách Quê Người với Giáo Hội Mẹ Việt Nam qua sự hiện diện của các nữ tu Việt Nam đầu tiên nầy. Nhịp cầu thứ 2 đang rất cần đó là sự thiện nguyện của 1 Linh mục Việt Nam từ Úc, Mỹ hoặc Âu Châu có thể đến phục vụ Giáo Phận Melaka-Johor trong khoảng thời gian tối thiểu là 2 năm?

Trong phần đầu của bài viết nầy, tôi có đề cập đến một thành phần mà tôi tạm gọi là ‘May Mắn’ đó là những anh chị em đã đến các Đệ Tam Quốc Gia bằng con đường ‘Vượt Biên -Vượt Biển của chính họ hoặc gia đình trên 30 thập niên đã qua. Qua thời gian trên họ đã cố gắng trau dồi kiến thức và thành công trên bước đường ‘Sự Nghiệp-Công Danh’. Họ đã và đang được các Công Ty Quốc Tế Ký Hợp Đồng làm việc ở các nước vùng Đông Nam Á, trong đó có Singapore. Nhờ cái ‘May Mắn’ của họ cho nên chính họ đã tìm cách giúp đỡ những anh chị em công nhân đến từ Việt Nam, cho dù khác nhau về tính tình, văn hóa, quan niệm… dù có thế nào đi nữa: ‘Dù rằng khác giống nhưng chung một giàn… Việt Mam’.

Nhân đọc bài viết “Lời Chúa giúp nối kết di dân lao động Việt Nam ở Macau dù không có linh mục” của Phan Ngô, đã đăng trên Vietcatholic ngày 24.6.2008, tôi xin chia sẻ một chặng đường nhỏ trong hành trình Mục Vụ Di Dân…

Một trong những anh chị em đang làm việc tại Singapore đã thường theo dõi những bài viết của tôi về Công Nhân Việt Nam tại Mã Lai và các nước Vùng Đông Nam Á… Một hôm anh gọi điện thoại cho tôi từ Singapore… và tự giới thiệu về mình, tôi được biết anh đã định cư ở Úc, nhưng làm việc ở Singapore… Chúng tôi đã quyết định làm một cái gì đó trong khả năng nhỏ bé của mình… qua những phương tiện về điện toán, email, internet đã giúp cho thế giới bao la thiếu vắng tình thương mỗi ngày được cảm thông và gần nhau hơn… và cũng chính nhờ phương tiện nầy chúng tôi đã nối kết tình thân mỗi ngày với Anh và nhóm nhỏ anh chị em đang làm ăn, sinh sống, hay học hành ở Singapore.

Sau một thời gian chuẩn bị, vào trung tuần tháng 5 vừa qua tôi đã đến phi trường Singapore và qua điện thoại di động anh Huy và 2 người bạn nữa liên lạc để biết tôi đang chờ ở ‘Terminal’ nào tại phi trường, vì không ai biết mặt tôi… Đêm đó tôi tạm nghỉ tại chung cư nơi anh Huy ở trọ sau khi chúng tôi ăn tối tại một tiệm ăn bình dân trên lề đường thành phố Singapore. Tại điểm hẹn nầy tôi đã gặp một vài bạn trẻ Việt Nam khác họ đã đến Singapore từ Úc Châu, Đức, Việt Nam…chúng tôi đã làm quen với nhau và cùng sắp xếp cho chuyến ‘vượt biên giới Singapore sang Mã Lai’ sáng ngày hôm sau để dâng lễ Chủ Nhật cho những anh chị em Công Nhân Việt Nam.

Sáng sớm Chủ Nhật, khởi hành từ Singapore sang Johor Bahru hơn 2 giờ vì thủ tục Xuất - Nhập 2 Cửa Khẩu… chúng tôi đã đến Tòa Giám Mục Johor gặp 2 nữ tu Việt Nam và 2 chị công nhân Việt Nam và 1 giáo dân người Mã đang đứng chờ chúng tôi, Ông John là ‘thổ địa-hướng dẫn viên’ giúp đỡ người Việt rất nhiều. Chúng tôi lên đường tiếp tục cuộc hành trình đến một giáo xứ… để kịp dâng lễ cho Công Nhân Việt Nam. Trong cuộc hành trình dài khoảng 1 tiếng 30 phút.

Đối với những anh chị em cùng đồng hành với tôi từ Singapore sang Mã Lai thì luôn cười nói vui vẻ nhưng đối với chị em Công Nhân ở Mã Lai thì dường như lúc nào cũng sợ ‘cảnh sát’ chặng xe lại hỏi giấy tờ tùy thân - ngay cả 2 nữ tu Việt Nam cũng lo âu như vậy - mà họ lại đang ngồi trên xe mang biển số Singapore. Ở Mã Lai công nhân có thể bị chặng xét hạch hỏi bất ngờ và cũng có thể chỉ vì một đôi giầy mới mua mang đi lễ hay vì một cái áo hay nón mới… vô tình bị dân Mã hỏi xin hay mượn trên xe Bus hay xe Lửa mà họ khướt từ có thể bị đòn và mất áo, nón hay giầy dễ dàng, nếu đi một mình.

Sau hơn một giờ đồng hồ 2 chiếc xe chở 12 người: 7 người từ Singapore và 5 người ở Johor đã đến một giáo xứ gần 11 giờ trưa. Cha xứ còn đang cử hành Thánh Lễ bên trong nhà thờ. Nhìn thoáng vào bên trong chúng tôi thấy có một số anh chị em Việt Nam đã đến đây sớm nên đã vào tham dự Thánh Lễ. Một số các bạn khác theo tôi nghĩ chắc vừa mới đến đang ngồi phía sau nhà họp của giáo xứ. Họ đến đây bằng phương tiện công cộng, hoặc 3, 4 người bỏ tiền chung để đi taxi hầu an toàn hơn, dù họ ở rất xa nơi cử hành Thánh Lễ hay họp mặt của tuần lễ đó.

Công việc đầu tiên của tôi đã được các nữ tu cho biết là tìm phòng nào đó thuận tiện để có thể giúp các bạn lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải… Phần các bạn trẻ đến từ Singapore thì phỏng đếm xem số các bạn đang ngồi ở phong họp, trong nhà thờ và dưới những tàng cây là khoảng bao nhiêu người? Trong lúc tôi giúp các bạn lãnh nhận Bí Tích Hoà Giải thì các bạn trẻ nầy sẽ đi ra phố nào gần đó để mua khẩu phần ăn cho bấy nhiêu người đến dự lễ của ngày hôm đó.

Thánh Lễ giáo xứ xong là nhóm Việt Nam vào nhà thờ để các sơ tập hát, chọn các độc vụ viên để Công Bố Lời Chúa, đọc Lời Nguyện Giáo Dân cũng như các phận vụ khác trong Thánh Lễ. Trong lúc đó 6 anh chị em “Công Nhân Thiện Nguyện” đến từ Singapore chuẩn bị phần ăn trưa cho ‘Gia Đình Công Nhân’. Hôm đó có khoảng 60 người chưa kể nhóm chúng tôi. Sau thánh lễ là bữa ăn trưa theo khẩu phần và họp mặt cho đến lúc nào phải chia tay, các sơ cho biết điểm của tháng sau. Giờ chia tay và thông báo điểm hẹn là lúc lưu luyến nhất của các bạn công nhân khi phải tạm biệt nhau... để rồi mỗi người phải trở về với thực tế của một tuần lễ mới nơi xứ lạ quê người. Xe chúng tôi rời khu vực nhà thờ nhìn lại vẫn thấy những bàn tay thân thương vẫy chào… tạm biệt…

Theo tôi được biết là có những anh chi em đã hơn 4 năm chưa đến được một nhà thờ nào để tham dự một Thánh Lễ dĩ nhiên việc lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải cũng bị gián đoạn. Không phải là các bạn nầy không muốn đi tham dự Thánh Lễ, nhưng không ai chỉ cho biết là có nhà thờ Công Giáo ở đâu? Có người còn cho biết từ lúc đặt chân xuống phi trường KL… thì họ được đưa đến nơi Công Ty… đi xe Bus mất 4, 5 tiếng. Giấp Thông Hành - Passport - được người phụ trách ‘Quản Lý’ ngay sau khi xong thủ tục Nhập Cảnh. Sau đó họ được cấp thẻ công nhân. Chính thẻ nầy đã làm cho họ bị nhiều thiệt thòi… khi gặp phải những thực tế xung quanh nơi chỗ họ tạm trú hay khi đi ra đường khi mà ‘Ai Đó’ biết họ là những Công Nhân Việt Nam, nhất là phụ nữ…

Có những anh chị em được may mắn làm việc ở những công ty hãng xưởng gặp được những Giám Đốc tốt. Nhưng con số nầy không nhiều lắm; đa số là bị bóc lột sức lao động và bị ngược đãi. Không phải tất cả công nhân Việt Nam đều làm trong các xí nghhệp như nhiều người tưởng nghĩ, có nhiều người không ngờ được là họ lại phải làm những nghề mà trước khi đến Mã Lai họ không hề biết như trèo dừa, lột dừa, chăn nuôi, trồng hoa mầu và những “Nghề Bất Đắc Dĩ Khác” mà vì kế sinh nhai vì đồng tiền mà ‘Họ’ phải làm ‘Phụ Trội’ như bài viết của tác giả Phan Ngô “Lời Chúa giúp nối kết di dân lao động Việt Nam ở Macau dù không có linh mục”, đã được đăng trên Vietcatholic.

Vì thế, nhờ kinh nghiệm của những anh chị em đến trước được Giáo Hội Địa Phương nâng đỡ chỉ vẽ cho ‘Truyền Lại’ cho những người đến sau… qua những điện thoại di động ‘nhắn tin’ để thông tin cho nhau biết những ‘Điểm Hẹn Định Kỳ Thánh Lễ - Họp Mặt Hằng Tháng’ để rủ nhau tụ về Điểm Hẹn Thánh Thể gặp gỡ Chúa Giêsu qua Bàn Tiệc Lời Chúa - Thánh Thể sau đó gặp gỡ các bạn ‘Đồng Hương - Đồng Cảnh Ngộ Xa Quê Nhà’.

Vì Công Nhân Việt Nam bị phân tán trong nhiều khu vực, làng mạc hay thành phố cách xa nhau, cho nên nếu không có điện thoại di động như ngày nay thì không dễ gì thông tin liên lạc. Chúng ta cũng phải cám ơn Chúa vì đã cho con người phát minh ra những phương tiện khoa học kỹ thuật, điện toán… nếu chúng ta biết tận dụng những phát minh khoa học nầy vào những nhu cầu và mục đích tốt.

Những giáo xứ nào trong Giáo Phận Melaka-Johor nơi nào có nhiều hãng xưởng, nông trại mà Đức Cha được các cha xứ báo cáo cho biết là có nhiều người Việt Nam làm việc ở đó thì Đức Cha cho phép nơi đó có Thánh Lễ Việt Nam, nếu có Linh mục Việt Nam ghé qua Johor vào dịp nào đó. Vào Các Mùa Lễ Trọng nếu không có Linh mục nào đến Johor thi Đức Cha Paul Tan sẽ mời một Linh Mục từ Việt Nam sang ngắn hạn hay từ Singapore sang giúp. Vào những dịp Phục Sinh, Giáng Sinh hay Tết Dân Tộc thì tất cả tựu về khuôn viên của Tòa Giám Mục Johor có đủ ‘Điều Kiện-Thoải Mái’ để cử hành Thánh Lễ và Họp Mặt đông đảo anh chị em hơn.

Đức Cha của Giáo Phận Melaka-Johor đã được anh em báo trước về chuyến viếng thăm của tôi cho nên Ngài đã sắp xếp giờ cho tôi gặp Ngài sau thánh lễ Chủ Nhật. Trên đường về lại Singapore nhóm anh chị làm việc bên Singapore chở tôi đến thăm Đức Cha Paul Tan SJ, Giám Mục Địa Phận Melaka-Johor. Tôi thay mặt cho nhóm “Thiện Nguyện” để cám ơn những ưu ái của Ngài không những đối với anh chị em Công Nhân Việt Nam hiện nay mà còn đối với Người Việt Tị Nạn đã đến Mã Lai trên 3 thập niên đã qua. Ngoài ra tôi cũng trình bày cho Ngài những ước muốn về tinh thần - đời sống thiêng liêng - của người Công Nhân Việt Nam hiện nay tại Mã Lai. Ngoài ra, tôi cũng lắng nghe những nguyện vọng tha thiết của một vị Chủ Chăn Giáo Phận đặc biệt đối với “Đàn Chiên Việt Nam sống Xa Xứ…” dưới sự chăm sóc Mục Vụ của Ngài…

Đức Cha Paul Tan cho tôi biết là có khoảng 100.000 Công Nhân Việt Nam đang làm việc tại đất nước Mã Lai. Trong số nầy có khoảng bao nhiêu người Công Giáo? Không ai có thể phỏng đoán được. Nếu như có 1 Linh Mục thường xuyên ‘chạy’ mỗi Chủ Nhật đến những giáo xứ để dâng lễ cho Việt Nam trong một thời gian ngắn có thể biết một con số phỏng chừng nào đó…

Tôi tạm cho 1 con số ‘giả tưởng-phỏng chừng’ 1.000 người Công Giáo trong số ‘phỏng chừng’ 100.000 người nhân công trên lãnh thổ Mã Lai. Nếu như vào khoảng thập niên 78-79 người Việt vì hoàn cảnh của đất nước đã ra đi trong số nầy có những Linh Mục Tu Sĩ cũng vì ‘Đàn Chiên’ hay vì một lý do gì đó cũng đã ‘Phó Dâng-Liều Mạng’ vượt biển hay vượt biên cùng với ‘Con Chiên’ của mình. Chấp nhận ‘Một Sống - Hai Chết’. Có thể ‘phỏng đoán’ hiện nay tại các nước Vùng Đông Nam Á số Nhân Công hiện nay hơn 1.000.000 người. Họ đang cần những Cố Vấn, Linh Hướng, Mục Sư, Linh Mục, Tu Sĩ… cùng đồng hành với họ, không phải chính họ yêu cầu chúng ta mà chính chúng ta cảm thấy sự cần thiết của chính mình là những Vị Lãnh Đạo phải hiện diện bên họ để nâng đỡ cuộc sống tinh thần mà họ đang cần nơi những ‘Chủ Chăn’.

Quý Vị có thể bày tỏ sự ‘Thiện Nguyện Mục Tử’ cho những ‘Đấng Bản Quyền’ trong các Giáo Hội thuộc Vùng Đông Nam Á, theo thiển ý của tôi, các Ngài sẽ đón nhận sự ‘Thiện Nguyện-Hy Sinh Cao Cả của Quý Vị’. Quý Vị phải chấp nhận một cuộc sống tương đối chứ không được như ở các Đệ Tam Quốc Gia mà chúng ta đã - đang định cư - ‘Phục Vụ’. Cho dù các Ngài biết là Nhu Cầu Mục Vụ cho Công Nhân Việt Nam là hết sức cần thiết trong Giáo Phận của các Ngài, nhưng vì tế nhị nào đó như phải chu cấp nếu khi yêu cầu các Đấng Bản Quyền của Quý Vị cho phép Quý Vị sang làm việc ở trong một Giáo Phận nào đó thuộc Vùng Đông Nam Á…

Nhóm Thiện Nguyện Singapore
Trước khi kết thúc bài viết nầy, tôi xin được trở lại với nhóm “Nhân Công Thiện Nguyện và cũng là nhóm “Kitô Hữu Thiện Nguyện” ở Singapore. Chúng tôi cùng làm những công tác ‘Thiện Nguyện’ cộng tác với 2 Sơ đang ở tại Johor. Được sự nâng đỡ của Đức Cha Paul Tan và điều kiện cho phép, trong những ngày gần đây, nhóm đã xin phép được Linh Mục Chính Xứ của một giáo xứ ở Singapore để bán đồ ăn gây quỹ, như bán chả giò, bánh mì, phở… Cha Phong thuộc Hội Truyền Giáo Paris (MEP) thuộc giáo xứ nầy cho nên cũng một phần ảnh hưởng tốt cho nhóm ‘Thiện Nguyện’. * Cha Phong là người thứ 2 tính từ bên phải.

Mỗi tháng các bạn sẽ dùng phương tiện ‘cá nhân’ để sang Mã Lai làm công tác thiện nguyện… riêng số tiền kiếm được qua việc gây quỹ hoặc do ‘Ân Nhân’ chỉ để lo các bữa ăn cộng đồng, sinh hoạt cộng đồng và mua sắm những bộ Thánh Ca và Sách Lễ dùng mỗi Chủ Nhật-Lễ Trọng…

Ngoài ra, các bạn cũng đã thực hiện một website riêng để có thể thông tin liên lạc với nhau, viết về những sinh hoạt của anh chị em Nhân Công và Lịch Trình Thánh Lễ hằng tháng, Lễ Trọng… đặc biệt là phần Suy Niệm Lời Chúa rất cần cho những bạn không thể tham dự Thánh Lễ mỗi tuần được ở các nhà thờ công giáo. Dẫn Lễ, Lời Nguyện Giáo Dân hoặc các bài Suy Niệm của tôi cũng phần nào là những hành trang nằm trong khả năng mà tôi có thể thêm vào website nầy cho các bạn.

Tuy rằng vòng tay của anh chị em chúng tôi bây giờ vẫn còn rất hạn hẹp, nhưng nhờ Đức Cha Paul Tan, nâng đỡ và sự hiện diện trực tiếp của 2 nữ tu Việt Nam tại Johor đó là những tia sáng đã ló dạng từ một màn đêm không trăng sao. Chúng tôi sẽ mang đến những tia sáng ‘Hy Vọng’ nầy đến không những cho những anh chị em Công Nhân Việt Nam Công Giáo mà còn cho những những anh chị em cùng một Mẹ Việt Nam đang sống tha hương vì miếng cơm manh áo. Theo tôi biết không những trong Thánh Lễ của ngày hôm đó có 1 Công Nhân không phải là Công Giáo cũng đi theo người em của mình Công Giáo tham dự Thánh Lễ mà còn có những nơi khác nữa nhất là những dịp Lễ Trọng…

Có một việc xảy ra mà chính tôi cũng không ngờ trong sự thiếu thốn đã nẩy sinh khi bắt đầu dâng Thánh Lễ mới khám phá ra… dù trước đó, tôi có hỏi một anh thanh niên chuẩn bị sách lễ, chén thánh… Anh cho biết là: ‘Thưa Cha, có đủ hết trên bàn thờ… cha cứ giải tội xong đi….đừng lo, mọi sự chúng con lo chu đáo hết… quen rồi cha ạ …” Lúc lên đến bàn thờ, nhìn trên bàn thờ chỉ thấy tập sách các bài đọc copy từ Internet đóng thành tập của Mùa Thường Niên… nhưng trong đó không có các Lời Nguyện của những Ngày Chủ Nhật. Nhìn các sơ, em giúp lễ… không ai biết là có cuốn sách lễ Roma hay Sách Lễ Giáo Dân hay không??? Có thể lần dâng lễ của tháng trước người phụ trách đã bỏ quên ở nhà thờ nào hoặc là ở Tòa Giám Mục? Thế là tôi đã phải nhìn vào cuốn Sách Lễ Roma bằng Anh Ngữ rồi ‘Tự Dịch ra tiếng Việt Nam’… cho hết bộ lễ mà có lẽ nhiều bạn đi lễ ngày đó không thể biết được… Chỉ có Chúa và Sơ phụ trách… mới thông cảm cho hoàn cảnh trớ trêu lúc bấy giờ, nhưng tôi tin chắc rằng Công Thức Truyền Phép là đúng 100%. Phần còn lại đúng khoảng 80-90%. Nếu không có cuốn sách lễ bằng Anh Ngữ thì tôi không biết phải ứng phó ra sao? Nhà thờ ở vùng quê, không có điện thoại, không có internet thì làm sao có thể ‘download’ đâu đây???

Thay Lời Kết:

Thánh Phaolô đã viết: ‘Chúng ta cần bổ khuyết những gì còn thiếu trong cuộc tử nạn của Chúa Giêsu Kitô”. Tin Mừng của Chúa Kitô vẫn là Tin Mừng của hơn 2000 năm nay. Nhưng chúng ta phải trở nên Tin Mừng bằng chính Ngôn Ngữ, bằng cuộc sống Chứng Nhân trong những môi trường và hoàn cảnh khác nhau qua Phục Vụ Quên Mình, Quảng Đại, Yêu Thương, Tha Thứ và Thông Cảm. Xin cho mỗi người trong chúng ta được đắm chìm và tan biến trong tình yêu của Chúa để rồi chúng ta cũng biết mở rộng tâm hồn trước những thiếu thốn của anh chị em sống chung quanh chúng ta như Thiên Chúa yêu thương chúng ta.