Cứ bốn năm một lần, cả thế giới lại được vui cùng, sống cùng trái bóng World cup. Đây là sự kiện lớn nhất, quy mô nhất và được nhiều người quan tâm nhất. Bằng chứng cụ thể là: Chỉ cần gõ từ khóa World cup 2010 vào google.com.vn chúng ta được con số: 309.000.000 lượt truy cập!

Tôi cũng là một fan hâm mộ của môn thể thào này. Khi theo dõi các trận đấu – nhất là mùa World cup này, bên cạnh niềm đam mê và phấn khích về những đường bóng điêu luyện, những bàn thắng đẹp, tôi còn cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa rất nhiều, rất rõ trong từng trận đấu, trong từng cầu thủ, từng cổ động viện…Đặc biệt, khi đối chiếu sự kiện này với năm Sa – bat, năm Toàn xá trong sách Lê vi tôi thấy có nhiều điểm tương đồng (Lv 25, 1 – 17). Năm Thánh trong sách Lê vi được mô tả là thời điểm hòa bình – hòa giải, con người và ruộng nương được nghỉ ngơi, thời gian – con người – đồ vật được hiến thánh… Những điều này chúng ta cũng gặp trong kỳ World cup này.

1. Những nghĩa cử hòa giải

Một trong những mục đích của Năm Thánh là sống tinh thần hòa giải. Điều này được Chúa nhắc lại hai lần trong một đoạn ngắn của sách Lê vi: “đừng làm thiệt hại người anh em mình” (Lv 25, 14) và “Không ai trong các ngươi được làm thiệt hại đồng bào” (Lv 25, 17). Trước mỗi kỳ World cup, FIFA luôn kêu gọi các đội, các cầu thủ, các cổ động viên chơi đẹp, chơi đúng luật với nhau. Chính vì thế mà một trong những nghi thức bắt buộc của mỗi trận bóng đá là rước cờ Fair play. Đây một nhắc nhở đầy tính nhân văn, nhân bản của môn thể thao này. Rồi trong mỗi trận đấu, chúng ta vẫn thường được xem các cử chỉ thân thiện như bắt tay và tặng cờ kỷ niệm đầu trận đấu, đưa tay dìu đối thủ khi bị ngã hay đổi áo cho nhau cuối mỗi trận đấu. Một số trận bóng đá gần đây, chúng ta còn thấy hình ảnh các cổ động viên trong trang phục dân tộc của mình đứng cạnh các cổ động viên của đội bạn. Họ có những đối tượng để cổ vũ khác nhau nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ là những kẻ đối nghịch nhau. Đúng là một không khí thân thiện, hòa bình.

Giúp đối thủ bị chấn thương

Không những thế, bóng đá có thể góp phần giải quyết những mâu thuẫn, hiểu nhầm để mang lại hòa bình cho các dân tộc, quốc gia. Trong một cuộc phỏng vấn, ngôi sao của đội tuyển Hàn Quốc Park Ji Sung đã bày tỏ nỗi lòng về ước muốn dùng bóng đá để giảm bớt tình hình căng thẳng chính trị trên bán đảo Triều Tiên. Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia Hàn Quốc, cầu thủ của MU đã cho biết anh hy vọng những giá trị truyền thống và tình thương của những người anh em cùng dòng máu sẽ xoa dịu tình hình căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Theo Park: “Bóng đá có thể làm nên sự khác biệt và có thể thay đổi thế giới. Tôi nghĩ bóng đá sẽ giúp hàn gắn mối quan hệ liên Triều”. Đây cũng chính là tinh thần mà lời kinh của Hội đồng Giám mục Nam phi hướng đến cho kỳ World cup này:

“Xin Thần khí trung thực, công bằng và bình an ngự giữa các cầu thủ và hết thảy những ai tham gia vào giải đấu.

Xin cho mỗi người biết góp phần tích cực của mình vào việc ngăn ngừa, kiểm soát và đấu tranh chống lại tội ác và tham nhũng, mọi hành vi côn đồ, mọi hình thức khai thác và lạm dụng đối với những người dễ bị tổn thương nhất.”

2. Là thời gian nghỉ ngơi

Sách Lê vi xem Năm Thánh là “thời kỳ đất nghỉ: các ngươi không được gieo vãi trong cánh đồng của các ngươi, không được tỉa vườn nho của các ngươi” (Lv 25, 5). Đất nghỉ nên con người cũng “không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa” (Lv 25, 11). Con người và đất nghỉ ngơi là để dành thời gian phụng sự Chúa, làm những việc lành thánh.

Ở quê tôi, trước mỗi mùa World cup, nông dân thường tranh thủ hoàn tất các công việc đồng áng quan trọng để “toàn tâm toàn ý” với các trận đấu. Một số nhà thờ còn điều chỉnh giờ lễ để cho giáo dân vừa xem được bóng đá nhưng cũng không bê trễ trong việc nhà Chúa.

Điều này chúng ta cũng thấy ở các nước. Xin điểm qua một số quốc gia, công ty: Chính phủ Brazil cũng như nhiều doanh nghiệp tư nhân quyết định cho người lao động nghỉ làm vào những buổi có đội tuyển quốc gia thi đấu. Đối với các dịch vụ thiết yếu như bệnh viện, cảnh sát, vận tải công cộng, nhân viên được nghỉ luân phiên. Thậm chí những tay buôn ma túy cũng tạm ngưng hoạt động kinh doanh “béo bở” của mình để dõi theo trái bóng. Ở các nước Anh, Đức, nhiều công ty thậm chí chẳng buồn cấm phát sóng trận đấu. Một số còn để nhân viên xem trong giờ làm việc. Tại vài nơi khác, các nhà quản lý phải điều chỉnh giờ làm của nhân viên để phù hợp với lịch thi đấu. Riêng tại Paraguay, Tổng thống Fernando Lugo đã ban sắc lệnh cho phép các nhân viên công chức được nghỉ những ngày có đội tuyển quốc gia này thi đấu. Hãng Asda, thuộc tập đoàn Wal-Mart, cho phép nhân viên nghỉ không lương hai tuần nếu muốn tới Nam Phi. Công ty cũng cho phép nhân viên thay đổi ca trực, nghỉ giữa giờ lâu hơn và được xin nghỉ để xem giải đấu tại nhà. Các TV đặt trong cửa hàng điện tử của Asda được chuyển sang kênh phát sóng các trận đấu bóng World Cup, để nhân viên bán hàng có thể vừa xem vừa làm việc.

3. Tiếng kèn Vuvzela

Khi tổ chức năm Thánh, Chúa đã yêu cầu dân người “thổi tù và giữa tiếng reo hò…các ngươi sẽ thổi tù và trong toàn xứ các ngươi” (Lv 25, 9). Rất tình cờ và rất đặc biệt, một trong các biểu tượng văn hóa của World cup 2010 tại Nam phi cũng là kèn Vuvuzela. Cả tiếng tù và và kèn Vuvuzela đều là một biểu hiện của niềm vui, của không khí lễ hội. World cup 2010 sẽ buồn và tẻ nhạt đi nếu thiếu đi chiếc kèn Vuvuzela. Tiếc là một số người không am hiểu văn hóa, thiếu sự tôn trọng nên đã có những phát biểu không hay trên các phương tiện truyền thông. Thậm chí, có người định cấm hoặc hạn chế các khán giả sử dụng nhạc khí này. May mắn là lệnh cấm đó không được ban hành! World cup 2010 đa dạng hơn về sắc màu văn hóa và cũng qua đây, Chúa mời gọi ta cảm thông, đón nhận, chấp nhận những dị biệt của nhau – Vuvuzela là một minh chứng.

Nhắc đến sự tình cờ trên, tôi chợt nhớ đến thời điểm tổ chức hai sự kiện này cũng tương cận. Chúa truyền lệnh cho ông Mô – Sê tổ chức Năm toàn xá vào “tháng thứ bảy, ngày mồng mười trong tháng”. World cup năm nay khai mạc vào ngày 11 tháng sáu và kết thúc ngày 11 tháng bảy.

4. Hiến thánh

Trong Năm Thánh, Thiên Chúa thường hiến thánh một số loài vật, con người, nhà cửa, đất đai….dành riêng cho Ngài. Việc hiến thánh là một cách thế để Thiên Chúa hiện diện với dân người. Hiến thánh là một nhắc nhở để con người sống tốt hơn, sống có ý nghĩa hơn với Chúa, với tha nhân và với bản thân.

Theo tôi, bóng đá là môn thể thao có biểu hiện tôn giáo nhiều nhất – đặc biệt là những dấu chỉ của đạo Công giáo.

Trước khi vào sân, các cầu thủ thường làm dấu Thánh giá để xin Ba ngôi Thiên Chúa phù hộ và chúc phúc cho trận đầu. Họ cầu nguyện cả trước, trong và sau khi thi đấu. Hình thức cầu nguyện của họ có khi là chắp tay trên ngực, ngước mắt lên trời, có khi là qùy gối xuống sân cỏ hoặc chắp tay ngửa mặt lên trời thì thầm với Chúa. Sau mỗi bàn thắng hay sau mỗi pha cứu nguy, các cầu thủ lại tiếp tục tạ ơn Chúa bằng cách này. Đêm qua, sau khi đẩy được quả penalty của Lukas Podolski, thủ thành Vladimir Stojkovic của tuyển Serbia đã ba lần làm dấu Thánh giá để tạ ơn Chúa. Tôi cho rằng đây là những cử chỉ tuyên xưng đức tin và cũng là cách truyền giáo hữu hiệu nhất. Mới đây, tôi cảm thấy vui mừng và hãnh diện khi nghe tin Wayne Rooney - một cầu thủ đội tuyển Anh được rất nhiều người mến mộ (trong đó có tôi), mang bên mình trang chuỗi mân côi trong suốt mùa World cup. Như vậy, các cầu thủ và những người tham gia trận đấu đã “thiêng hóa” trận đấu. Nhờ những Kitô hữu đá bóng này đã mang đến cho môn thể thao vua này những chiều kích thiêng liêng!

HLV Maradona (Achentia) – người có thói quen làm dấu mỗi lần khi ra sân

Ý thức được điều đó, trước ngày Khai mạc World Cup 2010, Hội đồng Giám mục Nam Phi đã thành lập Trang tin điện tử World Cup 2010 - www.churchontheball.com để cầu nguyện và cổ vũ cho sự kiện này. Giới thiệu Trang tin điện tử này, Đức Hồng y Wilfrid Napier, TGM Durban, Phát ngôn viên HĐGM Nam Phi, viết: “Thể thao đòi phải kiên nhẫn, bền bỉ, chuyên chú… những giá trị mà xã hội, đặc biệt tại Nam Phi, rất cần đến! Những giá trị mà Giáo hội luôn bênh vực: lòng bác ái, tinh thần đối thoại với các tôn giáo và các nền văn hóa, tình yêu đối với tha nhân… Chúng ta hãy tận dụng cơ hội này để cống hiến cho thế giới chứng từ về một Giáo hội sống động và về thể thao. Hãy nhớ lời Đức Gioan Phaolô II tiến lên phía trước, đừng sợ. Và cũng như các vận động viên, hãy băng tới phía trước với đức Tin và lòng can đảm, không sợ hãi!

Tôi rất tâm đắc lời kết của Đức Hồng y: “Các bạn hãy nhớ, một chiến thắng thực sự phải ngời lên phẩm giá con người”.

***

Như vậy, qua những chia sẻ trên, chúng ta thấy được rằng Chúa hiện diện rất nhiều trong sự kiện này. Cảm tạ Chúa vì Ngài đã ở cùng World cup! Xin Chúa chúc lành cho kỳ World cup này.

Kết thúc bài viết, xin được trích một đoạn trong lời kinh được Hội đồng Giám mục Nam phi đề nghị để cầu nguyện cho World cup thay cho lời cầu chúc của người viết gởi đến các người hâm mộ của môn thể thao vua này: “Xin cho những ai sống xa nhà và những người đang sum họp gia đình tìm được niềm vui trong ngày hội của môn thể thao tuyệt đẹp là bóng đá, và trong trò chơi tuyệt đẹp của cuộc sống, như Ý Chúa hằng mong muốn cho mọi người. Amen”.