NGHỆ AN - Ai đã chứng kiến đám đưa tang vào chiều ngày 2/4/2011, có lẽ không cầm được nước mắt xúc động. Nhiều người tưởng rằng đây chắc phải là một đám tang của gia đình quyền thế vì sự đông đúc của hàng ngàn người đưa tiễn nhưng thực ra đó là đám tang anh Giuse Lê Văn Phúc, một trong số 18 nạn nhân thương tâm vụ sập đá tại Lèn Cờ hôm 1/4.

Xem hình ảnh

Anh là một nông dân trẻ và là Phó chủ tịch nội vụ Hội đồng Mục vụ giáo họ sở tại xứ Lâm Xuyên. Anh Phúc đã vĩnh viễn ra đi bỏ lại một hành trình dang dở, một kế hoạch gián đoạn và nỗi đau hằn sâu nơi người ở lại; không đau sao được trước gia cảnh đau thương của gia đình anh.

Đúng 2 tuần trước ngày định mệnh, anh đã phải ngậm ngùi lăn lội chặng đường dài vào Cam Ranh, Khánh Hòa để lo ma chay cho người anh ruột là Lê Văn Hạnh qua đời. Nỗi sầu chưa vơi thì lại đến lượt anh đã bỏ vợ con ra đi ở cái tuổi sung sức nhất của cuộc đời.

Gánh nặng gia đình với 7 người con thơ dại đang tuổi ăn học buộc anh phải gồng mình trong cuộc sống; kiếp nghèo buộc anh phải bươn chải trên những mảnh ruộng cằn cội sao cho các con được đủ ăn, đủ mặc và nhất là được học tập đầy đủ. Làm thuê công nhật thất thường, đi xa may rủi chia đôi phần mười, vì tương lai con cái thúc bách, anh đã chạy vay ngân hàng, mượn đỡ xóm làng một số tiền tậu một chiếc xe “công nông càng” chở thuê với hy vọng tăng thêm thu nhập cho gia đình. Chiếc xe lăn bánh chưa đầy một năm thì “chuyến chở hàng định mệnh” đã cướp anh khỏi thế gian này. Khế ngân hàng vẫn còn đó, nợ hàng xóm trao lại cho vợ yếu con thơ; chiếc xe kia nay chỉ còn là những mảnh sắt vụn bẹp dí. Tổng số nợ lên đến 60 triệu đồng, một con số quá lớn đối với người dân nghèo miền quê.

Anh ra đi! Nỗi đau, nỗi mất mát quá lớn với 7 người con thơ dại. Ở đời “trẻ cậy cha, già cậy con”, giờ đây những ngày tháng tiếp theo của những đứa con lấy ai làm chỗ dựa náu nương.

Con trai trưởng là Lê Văn Trường, đang là sinh viên năm 2 khoa Môi trường Phát triển, trường Đại học Kinh tế Huế. Trường đã phải lao lực vừa học vừa làm đang khi còn có cha lo liệu. Thế mà nay không còn cha nữa, con đường để hoàn thành chương trình Đại học của Trường liệu có qua được không? Thiết nghĩ, chặng đường sinh viên của Trường nếu có vượt qua thì cũng sẽ nhuốm đầy gian nan, khốn khó.

Người con thứ 2 là một nữ sinh xinh xắn, học giỏi của lớp 10A14 Trường THPT Yên Thành II. Tuổi học trò thơ mộng với bao ước mơ, hoài bão đã bị nước mắt tang thương làm nhạt nhòa. Liệu rằng em có còn đủ nghị lực, điều kiện để cùng bầu bạn thực hiện những ước mơ, hay phải cùng mẹ chăm lo đàn em nhỏ dại?

Đớn đau hơn cho 5 đứa nhỏ còn non nớt, chưa ý thức được về sự mất mát cũng phải cạn nước mắt cùng mẹ và anh chị. Chị vợ Thái Thị Sinh sụt rùi trong nước mắt “con đông như ri, không biết nuôi làm răng đây.” Bầu khí đầm ấm lâu nay “miếng cơm cha lo, giấc ngủ mẹ liệu” giờ đây sẽ ra sao? Phải chăng, những đứa trẻ sẽ trở nên nheo nhóc, gầy còm vì thiếu ăn, thiếu mặc, và ngày càng héo hon vì thiếu tình thương của người cha. Tiếng gọi “cha ơi” thật ấm áp từ nay sẽ im bặt nơi những đứa con, và đứa nhỏ cuối lại chưa một lần được gọi “tiếng cha”. Tương lai của chúng thật mập mờ, lối đi trải đầy khó khăn.

Gia đình nghèo, con đông đã đặt cho anh một trách nhiệm lớn lao. Thế nhưng, ai cũng phải giật mình khi biết thêm: anh Phúc đang hy sinh thời gian và tâm huyết đảm đương bao công việc của giáo họ, giáo xứ từ phó Chủ tịch nội vụ Hội đồng Mục vụ giáo họ; phó Ban ca đoàn giáo họ; là thành viên của đội nhạc hơi họ Lâm Xuyên; thành viên Gia đình Khôi Bình Giáo phận Vinh. Thật sự anh là một “con người của mọi người”. Những hình ảnh tất bật, chạy đôn chạy đáo lo công việc chung của giáo xứ vẫn còn sống động, những bước chân của anh trên công trường giáo xứ đang rõ nét. Một người hết mình vì việc chung, làm việc trọn trách nhiệm, thế mà từ nay muốn gọi tên anh lại không được nữa rồi.

Thật đau xót cho số phận và gia cảnh anh Phúc, người vợ mất chồng, những đứa con không còn cha, họ có đủ nghị lực để vượt qua đau thương và tiếp tục cuộc sống? Điều đó cần nhiều vào sự đồng cảm, đỡ nâng của mọi người. Hơn bao giờ hết, họ đang cần đến tấm lòng sớt chia nỗi buồn, giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần của chúng ta. Đó sẽ là nguồn động lực quý giá để tìm lại thế cân bằng cuộc sống của họ.

Chuyến viếng thăm chia sẻ

Sáng 4.4. 2011, linh mục Phêrô Lưu Văn Thành, quản xứ Rú Đất, phụ trách xứ Lâm Xuyên đã cùng Hội đồng Mục vụ, ban Bác ái – Xã hội hai giáo xứ đến thăm thân nhân 18 nạn nhân xấu số và những người bị thương trong vụ sập đá kinh hoàng tại Lèn Cờ, xã Nam Thành, huyện Yên Thành vừa qua. Địa điểm này cách giáo xứ Lâm Xuyên chừng 2km về phía tây.

Đoàn đã thăm hỏi, chia sẻ và tặng quà động viên các gia đình vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Chuyến viếng thăm của đoàn góp phần dịu bớt bi sầu cho gia đình và thân quyến.