Một đạo luật chống nhập cư "đe dọa sứ vụ của Giáo Hội"

ROMA – Trong một bài viết, cơ quan thông tin Tòa thánh Fides chào mừng “tình đoàn kết của Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh (CELAM)" với các giám mục Mỹ chống bộ luật nhập cư, bởi vì nó "đe dọa sứ vụ của Giáo Hội".

Ủy ban Công lý và Đoàn kết của Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh (CELAM) bày tỏ tình đoàn kết của mình với Đức Tổng Giám Mục José Gomez, Tổng Giáo phận Los Angeles, và là Chủ tịch Ủy ban Di cư của Hội Đồng Giám Mục Mỹ, sau khi có thư của Ngài chống lại luật chống nhập cư của bang Alabama.

Thật vậy, bang Alabama, sau nhiều bang khác, đã thông qua một qui định mới, vốn được xem là một trong các luật chống nhập cư nghiêm ngặt nhất, vì nó cho phép cảnh sát bắt giữ các người tình nghi nhập cư, nếu họ không thể chứng minh rằng họ đang ở trong diện “thông thường”. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục phải xác minh rằng học sinh của mình là "thuộc diện thông thường", trước khi khóa học bắt đầu, và các chủ công ty phải làm điều tương tự trước khi thuê một người nhập cư.

Thư của Đức Tổng Giám mục Gomez, đề ngày 8-9-2011, là một lời kêu gọi chính quyền Mỹ (hành pháp và lập pháp) nhằm có một cải cách toàn diện về Luật Di Trú. Đức Tổng Giám Mục Gomez đã viết: "Đất nước chúng ta rất cần một giải pháp liên bang cho thách thức của việc nhập cư bất hợp pháp, một giải pháp đại diện cho một sự cân bằng giữa pháp quyền và nguyên tắc nhân đạo".

Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục tổng giáo phận Los Angeles khẳng định: "Giáo Hội Công Giáo cung cấp công tác mục vụ và xã hội cho tất cả mọi người, bất kể tình trạng nhập cư của họ. Nhiệm vụ của chúng tôi là cung cấp sự chăm sóc mục vụ và trợ giúp xã hội cho tất cả con cái Thiên Chúa. Chính phủ không nên đặt bất kỳ trở ngại nào cho nghĩa vụ này, như các nhà sáng lập quốc gia này đã diễn tả rõ ràng trong Hiến pháp Mỹ".

Thư của Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh (CELAM) diễn tả như sau: “Sự lưu động của con người, sự di chuyển trong quốc gia và ra nước ngoài là các hiện tượng đại chúng, vốn là đặc trưng cho thế giới ngày nay, đó là toàn cầu hóa, nơi áp đặt các luật cung và cầu của thị trường lao động. Theo truyền thống, chúng tôi xem Mỹ là một quốc gia của dân nhập cư, và di sản lịch sử của Mỹ là sự tự do tôn giáo. Chúng tôi tin rằng cuộc sống con người và phẩm giá nội tại của con người không bao giờ được giảm thiểu, theo luận lý của thị trường, với nguy cơ xem chúng như là đồ vật hay hàng hóa".

Lá thư kết luận: "Là Kitô hữu, chúng tôi có bổn phận phải nhắc lại rằng sự tôn trọng con người và quyền của họ là điều kiện cơ bản của con người. Vì vậy, chúng tôi hiệp nhất với các Giám Mục Mỹ trong nỗ lực của các vị, nhằm ngăn cản tính hiệu lực thi hành của một đạo luật của một bang của Mỹ, vốn đe dọa sứ vụ của Giáo hội ở bang Alabama, trong những gì liên quan đến người người nhập cư bất hợp pháp”. (Zenit.org 20-9-2011)