Chúa Nhật XIV thường niên C (Lc.10,1-12.17-20)
AI ĐÁNG HƯỞNG BÌNH AN ?
Được an toàn, bình an hay hoà bình là ước vọng chung của mọi người. Ai cũng cầu mong bản thân mình khỏi mọi tai họa, gia đình mình thoát mọi rủi ro, đời sống được ổn định để yên tâm làm ăn sinh sống. Người dân nào cũng mong ước đất nước luôn an bình, mọi người được ấm no hạnh phúc. Toàn thể nhân loại đều trông mong thế giới được hòa bình, thoát mọi thiên tai, hiểm họa chiến tranh. Tóm lại mọi người đều mong ước được bình an, hạnh phúc.
Các môn đệ của Đức Giêsu chính là những sứ giả của hoà bình. Khi sai 72 môn đệ đi rao giảng, Người bảo các ông: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Chúc nhà này được bình an. Nếu ở đó có ai đáng hưởng bình an, thì sự bình an anh em đã cầu chúc sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì sự bình an đó sẽ trở về với anh em”.
Xin đưa ra hai câu hỏi : Bình an đích thực hệ tại bởi đâu và ai đáng được hưởng sự bình an đó ?
Khi nói đến “Bình an”, trước đây chúng ta thường chú trọng đến ba bình diện: bình an với Chúa, bình an với người khác, bình an với bản thân mà quên đi một khía cạnh cũng rất quan trọng, đó là bình an với thiên nhiên. An hoà với thiên nhiên, đó cũng chính là trọng tâm trong thông điệp “Laudato Si’” của ĐTC Phanxicô. Vì thế ở đây, tôi xin được nhấn mạnh hơn đến bình an trên bình diện môi trường, thiên nhiên.
Nói theo tư tưởng phương Đông, bình an phải bao trùm cả ba chiều kích: thiên, địa, nhân. Dĩ nhiên ba chiều kích này không ngang bằng nhau nhưng có phẩm trật: thiên, nhân, địa. Bởi vì Thiên Chúa là đấng tạo hoá tối cao, tất cả còn lại là thụ tạo của Người. Trong các thụ tạo, con người là cao cả nhất, được Thiên Chúa đặt làm chủ để cai quản mọi sự. Cho nên sự giao hoà hay bình an với Thiên Chúa phải là ưu tiên số một, nghĩa là khi có mâu thuẫn giữa 3 chiều kích này phải chọn lựa ưu tiên là sự an hoà trong tương quan với Thiên Chúa. Đó chính là ý nghĩa của lời Chúa nói: “Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng [...]. Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10, 35-37). Bình an với Chúa là bình an cao cả nhất mà chúng ta cần phải luôn nắm giữ.
Thật vậy, bình an đích thực, bình an sâu xa, theo Thánh Kinh, không phải tình trạng không có chiến tranh, không có tai ương, hay tâm trạng không còn lo lắng, sợ hãi, bất an, hoặc là trạng thái sung sướng, thoải mái về mặt tâm lý, nhưng là tình trạng của người sống trong ân sủng Thiên Chúa, có Thiên Chúa hiện diện.
Hiểu như thế, chính tội lỗi là nguyên nhân gây mất bình an vì chính tội lỗi là nguyên nhân cắt đứt tương quan của con người với Thiên Chúa.
Nếu khi thờ ngẫu tượng là tội nặng, giết người là tội nặng thì việc huỷ hoại môi trường cũng là một tội nặng không kém. Tại sao việc huỷ hoại thiên nhiên cũng gọi là tội ? Vì nó cũng là nguyên nhân cắt đứt tương quan với Thiên Chúa. Trong thông điệp Laudato si’, ĐGH Phanxicô đã trích lại lời Đức Thượng Phụ Bartolomeo: “tội lỗi chống lại tự nhiên, cũng là tội lỗi chống lại chính bản thân chúng ta và là tội lỗi chống lại chính Thiên Chúa” (số 8). Do đó khi xét mình xưng tội chúng ta phải xét lại mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, với con người và cả tội chống lại thiên nhiên nữa.
Thiên nhiên là quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người. Quà tặng này đã được chúng ta xử dụng ra sao ? Ngay khởi đầu Thông điệp Laudato viết: “Người chị (trái đất) này đang kêu khóc vì chúng ta đã tiêm nhiễm lên chị những mối nguy qua cách sử dụng vô trách nhiệm và lạm dụng của cải vật chất Thiên Chúa ban tặng. Chúng ta tự xem mình là chủ nhân của trái đất này và muốn bóc lột ra sao tuỳ ý” (số 2). Lại ở một đoạn khác: “Chưa bao giờ chúng ta lại đối xử tàn tệ và làm thương tổn ngôi nhà chung của chúng ta như trong hai thế kỷ qua” (số 53).
Trái đất bị đối xử tàn tệ như vậy cuộc sống của chúng ta có được an bình hay không ? Làm sao mà bình an được ! Ra đường chúng ta lo sợ, không thấy an toàn : vì tai nạn và sự ô nhiễm không khí. Ngồi vào bàn ăn, chúng ta lo sợ : ăn mà không biết những thực phẩm chúng ta ăn có sạch hay không, con cái chúng ta ăn liệu có bị ảnh hưởng xấu gì sau này hay không… Cho con đi học, chúng ta lo sợ : không biết chúng có được dạy đến nơi đến chốn, có được dạy để nên con người hay không...
Đối phó với xã hội ô nhiễm mọi mặt này chúng ta co cụm, tự phòng thủ che chắn. Mỗi người tìm cách tự bảo vệ mình và gia đình. Không khí ô nhiễm à ? Ra đường bịt khẩu trang. Đồ ăn ô nhiễm à ? Tự trồng rau sạch, nuôi cá, nuôi gà…, nếu giàu có hơn thì vào siêu thị mua rau sạch, thịt sạch… Giáo dục ô nhiễm à ? Gởi con học trường ngoại quốc hay ra nước ngoài… Nhưng, xét cho cùng, dùng những thủ pháp tình thế như vậy liệu có an toàn không ? Có thoát được bệnh tật không ? Có tránh được những ô nhiễm đủ loại đó không ? Không ! Rốt cuộc tình hình đó chẳng được cải thiện, ngày một xấu đi. Đánh đùng một cái, cách đây gần ba tháng, nổ ra thảm hoạ môi trường biển miền Trung. Người ta càng nháo nhào hơn vì không biết mắm muối cá tôm hiện nay còn an toàn không, và còn an toàn đến lúc nào… Người dân đòi phải minh bạch thông tin, cần phải công bố nguyên nhân và xác định thủ phạm…
Chiều ngày 30.06.2016, sau gần 3 tháng xảy ra thảm hoạ môi trường biển, Chính phủ đã chủ trì họp báo công bố nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung : do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (Vũng Áng, Hà Tĩnh) gây ra qua đường ống xả thải ra biển. Chủ tịch Formosa Hà Tĩnh đã cúi đầu nhận lỗi, xin lỗi, cam kết thực hiện bồi thường 500 triệu USD vì đã gây ra sự cố môi trường.
Cái công bố chính thức đó để lại nhiều dấu hỏi. Dựa vào đâu để ấn định số tiền 500 triệu dollar đó ? Có đủ để bồi hoàn những thiệt hại mà cả triệu ngư dân và người dân sống với những ngành nghề liên hệ phải gánh chịu ? Với hệ thống tham nhũng từ trên xuống dưới như hiện nay, liệu tiền bồi thường có đến đúng tay các nạn nhân không ? Có thể hoàn trả lại môi trường biển sạch, các sinh vật biển và những rặng san hô có được hồi sinh như cũ không ?... Mặt khác, tại sao Formosa được cấp phép những 70 năm với biết bao biệt đãi ? Ai đã cấp phép đầu tư cho họ ?...
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Mức bồi thường 500 triệu là rất nhỏ, vì mới tính trên thiệt hại sơ bộ kinh tế của người dân, thiệt hại sinh thái biển, tồn lưu ; còn thiệt hại về tâm lí… là chưa tính được.
Thật ra vụ ô nhiễm biển chỉ là phần nổi của tảng băng chìm đầy những vấn nạn lớn của đất nước, khi mà nhìn đâu cũng thấy những formosa đã, đang và sắp mọc lên với đủ loại ô nhiễm: ô nhiễm môi trường, ô nhiễm đạo đức, ô nhiễm văn hoá… Muốn không còn những Formosa tác oai tác quái cần phải có những thay đổi triệt để tận căn hơn, đặc biệt là về mặt chính trị ; xã hội dân sự cần phải lớn mạnh hơn ; người dân cần phải có quyền tự do biểu đạt ý muốn, nguyện vọng của mình, chứ không để quyền quyết định trong tay một nhúm người tự cho mình là đỉnh cao của trí tuệ.
Trở lại với câu hỏi : ai đáng được hưởng bình an ?
Người đáng được hưởng bình an phải là người xây dựng sự bình an, một trong tám mối phúc Chúa đã hứa: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình: họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa!” (Mt 5, 9). Muốn hưởng bình an của môi trường thì phải tích cực xây dựng môi trường.
Trong ba tháng qua có những người tích cực xây dựng hoà bình, đòi phải minh bạch thông tin, bảo vệ môi trường. Họ chấp nhận bị đàn áp, bị vu khống và bị gây khó dễ. Chúng ta mắc nợ họ vì họ đòi môi trường sạch cho họ và cho cả chúng ta nữa. Họ là những người xứng đáng được hưởng sự bình an, thứ bình an mà Chúa Giêsu đã hứa: “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng” (Ga. 14, 27).
Sự bình an với thiên nhiên đòi hỏi các môn đệ của Đức Kitô phải tích cực, sắn tay áo lên xây dựng, chứ không phải chỉ co cụm, che chắn, phòng thủ cho mình và gia đình với những biện pháp tình thế chẳng đi đến đâu, có chăng là thứ bình an tạm bợ. Chỉ có bình an Chúa ban mới tồn tại bền vững. Ước gì chúng ta có được và đáng được hưởng ơn bình an đích thực đó.
Chúa Nhật 03.07.2016
Lm Nguyễn Quốc Hưng
AI ĐÁNG HƯỞNG BÌNH AN ?
Được an toàn, bình an hay hoà bình là ước vọng chung của mọi người. Ai cũng cầu mong bản thân mình khỏi mọi tai họa, gia đình mình thoát mọi rủi ro, đời sống được ổn định để yên tâm làm ăn sinh sống. Người dân nào cũng mong ước đất nước luôn an bình, mọi người được ấm no hạnh phúc. Toàn thể nhân loại đều trông mong thế giới được hòa bình, thoát mọi thiên tai, hiểm họa chiến tranh. Tóm lại mọi người đều mong ước được bình an, hạnh phúc.
Các môn đệ của Đức Giêsu chính là những sứ giả của hoà bình. Khi sai 72 môn đệ đi rao giảng, Người bảo các ông: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Chúc nhà này được bình an. Nếu ở đó có ai đáng hưởng bình an, thì sự bình an anh em đã cầu chúc sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì sự bình an đó sẽ trở về với anh em”.
Xin đưa ra hai câu hỏi : Bình an đích thực hệ tại bởi đâu và ai đáng được hưởng sự bình an đó ?
Khi nói đến “Bình an”, trước đây chúng ta thường chú trọng đến ba bình diện: bình an với Chúa, bình an với người khác, bình an với bản thân mà quên đi một khía cạnh cũng rất quan trọng, đó là bình an với thiên nhiên. An hoà với thiên nhiên, đó cũng chính là trọng tâm trong thông điệp “Laudato Si’” của ĐTC Phanxicô. Vì thế ở đây, tôi xin được nhấn mạnh hơn đến bình an trên bình diện môi trường, thiên nhiên.
Nói theo tư tưởng phương Đông, bình an phải bao trùm cả ba chiều kích: thiên, địa, nhân. Dĩ nhiên ba chiều kích này không ngang bằng nhau nhưng có phẩm trật: thiên, nhân, địa. Bởi vì Thiên Chúa là đấng tạo hoá tối cao, tất cả còn lại là thụ tạo của Người. Trong các thụ tạo, con người là cao cả nhất, được Thiên Chúa đặt làm chủ để cai quản mọi sự. Cho nên sự giao hoà hay bình an với Thiên Chúa phải là ưu tiên số một, nghĩa là khi có mâu thuẫn giữa 3 chiều kích này phải chọn lựa ưu tiên là sự an hoà trong tương quan với Thiên Chúa. Đó chính là ý nghĩa của lời Chúa nói: “Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng [...]. Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10, 35-37). Bình an với Chúa là bình an cao cả nhất mà chúng ta cần phải luôn nắm giữ.
Thật vậy, bình an đích thực, bình an sâu xa, theo Thánh Kinh, không phải tình trạng không có chiến tranh, không có tai ương, hay tâm trạng không còn lo lắng, sợ hãi, bất an, hoặc là trạng thái sung sướng, thoải mái về mặt tâm lý, nhưng là tình trạng của người sống trong ân sủng Thiên Chúa, có Thiên Chúa hiện diện.
Hiểu như thế, chính tội lỗi là nguyên nhân gây mất bình an vì chính tội lỗi là nguyên nhân cắt đứt tương quan của con người với Thiên Chúa.
Nếu khi thờ ngẫu tượng là tội nặng, giết người là tội nặng thì việc huỷ hoại môi trường cũng là một tội nặng không kém. Tại sao việc huỷ hoại thiên nhiên cũng gọi là tội ? Vì nó cũng là nguyên nhân cắt đứt tương quan với Thiên Chúa. Trong thông điệp Laudato si’, ĐGH Phanxicô đã trích lại lời Đức Thượng Phụ Bartolomeo: “tội lỗi chống lại tự nhiên, cũng là tội lỗi chống lại chính bản thân chúng ta và là tội lỗi chống lại chính Thiên Chúa” (số 8). Do đó khi xét mình xưng tội chúng ta phải xét lại mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, với con người và cả tội chống lại thiên nhiên nữa.
Thiên nhiên là quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người. Quà tặng này đã được chúng ta xử dụng ra sao ? Ngay khởi đầu Thông điệp Laudato viết: “Người chị (trái đất) này đang kêu khóc vì chúng ta đã tiêm nhiễm lên chị những mối nguy qua cách sử dụng vô trách nhiệm và lạm dụng của cải vật chất Thiên Chúa ban tặng. Chúng ta tự xem mình là chủ nhân của trái đất này và muốn bóc lột ra sao tuỳ ý” (số 2). Lại ở một đoạn khác: “Chưa bao giờ chúng ta lại đối xử tàn tệ và làm thương tổn ngôi nhà chung của chúng ta như trong hai thế kỷ qua” (số 53).
Trái đất bị đối xử tàn tệ như vậy cuộc sống của chúng ta có được an bình hay không ? Làm sao mà bình an được ! Ra đường chúng ta lo sợ, không thấy an toàn : vì tai nạn và sự ô nhiễm không khí. Ngồi vào bàn ăn, chúng ta lo sợ : ăn mà không biết những thực phẩm chúng ta ăn có sạch hay không, con cái chúng ta ăn liệu có bị ảnh hưởng xấu gì sau này hay không… Cho con đi học, chúng ta lo sợ : không biết chúng có được dạy đến nơi đến chốn, có được dạy để nên con người hay không...
Đối phó với xã hội ô nhiễm mọi mặt này chúng ta co cụm, tự phòng thủ che chắn. Mỗi người tìm cách tự bảo vệ mình và gia đình. Không khí ô nhiễm à ? Ra đường bịt khẩu trang. Đồ ăn ô nhiễm à ? Tự trồng rau sạch, nuôi cá, nuôi gà…, nếu giàu có hơn thì vào siêu thị mua rau sạch, thịt sạch… Giáo dục ô nhiễm à ? Gởi con học trường ngoại quốc hay ra nước ngoài… Nhưng, xét cho cùng, dùng những thủ pháp tình thế như vậy liệu có an toàn không ? Có thoát được bệnh tật không ? Có tránh được những ô nhiễm đủ loại đó không ? Không ! Rốt cuộc tình hình đó chẳng được cải thiện, ngày một xấu đi. Đánh đùng một cái, cách đây gần ba tháng, nổ ra thảm hoạ môi trường biển miền Trung. Người ta càng nháo nhào hơn vì không biết mắm muối cá tôm hiện nay còn an toàn không, và còn an toàn đến lúc nào… Người dân đòi phải minh bạch thông tin, cần phải công bố nguyên nhân và xác định thủ phạm…
Chiều ngày 30.06.2016, sau gần 3 tháng xảy ra thảm hoạ môi trường biển, Chính phủ đã chủ trì họp báo công bố nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung : do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (Vũng Áng, Hà Tĩnh) gây ra qua đường ống xả thải ra biển. Chủ tịch Formosa Hà Tĩnh đã cúi đầu nhận lỗi, xin lỗi, cam kết thực hiện bồi thường 500 triệu USD vì đã gây ra sự cố môi trường.
Cái công bố chính thức đó để lại nhiều dấu hỏi. Dựa vào đâu để ấn định số tiền 500 triệu dollar đó ? Có đủ để bồi hoàn những thiệt hại mà cả triệu ngư dân và người dân sống với những ngành nghề liên hệ phải gánh chịu ? Với hệ thống tham nhũng từ trên xuống dưới như hiện nay, liệu tiền bồi thường có đến đúng tay các nạn nhân không ? Có thể hoàn trả lại môi trường biển sạch, các sinh vật biển và những rặng san hô có được hồi sinh như cũ không ?... Mặt khác, tại sao Formosa được cấp phép những 70 năm với biết bao biệt đãi ? Ai đã cấp phép đầu tư cho họ ?...
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Mức bồi thường 500 triệu là rất nhỏ, vì mới tính trên thiệt hại sơ bộ kinh tế của người dân, thiệt hại sinh thái biển, tồn lưu ; còn thiệt hại về tâm lí… là chưa tính được.
Thật ra vụ ô nhiễm biển chỉ là phần nổi của tảng băng chìm đầy những vấn nạn lớn của đất nước, khi mà nhìn đâu cũng thấy những formosa đã, đang và sắp mọc lên với đủ loại ô nhiễm: ô nhiễm môi trường, ô nhiễm đạo đức, ô nhiễm văn hoá… Muốn không còn những Formosa tác oai tác quái cần phải có những thay đổi triệt để tận căn hơn, đặc biệt là về mặt chính trị ; xã hội dân sự cần phải lớn mạnh hơn ; người dân cần phải có quyền tự do biểu đạt ý muốn, nguyện vọng của mình, chứ không để quyền quyết định trong tay một nhúm người tự cho mình là đỉnh cao của trí tuệ.
Trở lại với câu hỏi : ai đáng được hưởng bình an ?
Người đáng được hưởng bình an phải là người xây dựng sự bình an, một trong tám mối phúc Chúa đã hứa: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình: họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa!” (Mt 5, 9). Muốn hưởng bình an của môi trường thì phải tích cực xây dựng môi trường.
Trong ba tháng qua có những người tích cực xây dựng hoà bình, đòi phải minh bạch thông tin, bảo vệ môi trường. Họ chấp nhận bị đàn áp, bị vu khống và bị gây khó dễ. Chúng ta mắc nợ họ vì họ đòi môi trường sạch cho họ và cho cả chúng ta nữa. Họ là những người xứng đáng được hưởng sự bình an, thứ bình an mà Chúa Giêsu đã hứa: “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng” (Ga. 14, 27).
Sự bình an với thiên nhiên đòi hỏi các môn đệ của Đức Kitô phải tích cực, sắn tay áo lên xây dựng, chứ không phải chỉ co cụm, che chắn, phòng thủ cho mình và gia đình với những biện pháp tình thế chẳng đi đến đâu, có chăng là thứ bình an tạm bợ. Chỉ có bình an Chúa ban mới tồn tại bền vững. Ước gì chúng ta có được và đáng được hưởng ơn bình an đích thực đó.
Chúa Nhật 03.07.2016
Lm Nguyễn Quốc Hưng