Ngày Chúa Nhật 6/5/2018 vừa qua tôi có đọc một bài viết mang tựa đề "Người ở Thủ Thiêm" của tác giả Khải Đơn đăng trên VnExpress.net. Tác giả có những nhận định về những đổi thay hiện nay một cách rất tinh tế và sâu xa như sau:

Khu đất Dòng Thủ Thiêm
"Những người chịu tái định cư đã hóa thành hình thái khác so với cuộc sống của chính họ trên bán đảo này trước đó. Những căn nhà dần khép kín cửa. Mọi người lặng lẽ và xa cách hơn, như biết bao cư dân đô thị, ở cạnh nhau cả đời và không hề biết mặt. Nhưng phòng khám của các soeur thì khác. Họ vẫn rộng cửa, kê bàn ghế và mời nước ở khoảng sân chung. Nhiều bệnh nhân đến đây để được săn sóc và chữa bệnh. Họ hầu hết là cư dân cũ sau cuộc giải tỏa trắng ở Thủ Thiêm hoặc không còn tiền đi chữa bệnh chỗ khác. Một anh lái xe ba gác bán trái cây dưới sân chung cư bị tông xe, anh không thể đi lại bình thường khi vết thương đã liền nên cần vật lí trị liệu. Một bà lão nghèo bị đau cột sống không ngủ được. Cậu giang hồ dáng vẻ hùng hổ bị tai nạn lao động, hàng tuần cũng đạp xe tới tập trị liệu...

Những soeur già đó đã sống cả đời ở Thủ Thiêm. Họ biết anh lái xe ba gác là con ai, cậu giang hồ là em người nào, những đứa trẻ đang chạy trong hành lang là con cháu gia đình nào. Họ trò chuyện với người già, canh chừng trẻ con chơi và chỉ dạy những cô cậu mới lập gia đình về lễ nghĩa ở đời. Họ là nhân chứng và bằng chứng cho thấy rằng từng tồn tại một cộng đồng dân cư có linh hồn ở Thủ Thiêm này.

Dù đã bước lên những tầng cao chung cư đầy lạnh nhạt và tươm tất, Thủ Thiêm chính là sinh cảnh khiến họ trở về bên nhau, gần gũi thân quen như thuở còn sống dọc những con đường đi thẳng ra bờ sông gió lộng.

Các Sơ kiên trì phản đối di dời và cướp đất
Giờ đây, đằng sau câu hỏi về bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm mới dấy lên, với tôi còn là chuyện số phận của hơn 15.000 cư dân đã bị “quét” khỏi những ngôi nhà bị giật sập. Trong khi câu trả lời chưa thành hình, từng đoàn người vẫn chờ đợi trước cổng cơ quan chức năng để khiếu nại tìm câu hỏi về mái nhà của họ."


Tôi không biết tác giả là ai, nhưng như chính chị bộc bạch là: "Tôi sống ở một chung cư tái định cư dành cho dân Thủ Thiêm về suốt ba năm. Đối diện tòa nhà là phòng khám cho người nghèo của những soeur là bác sĩ, điều dưỡng Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm." Nghĩa là dù chỉ có 3 năm biết về hoạt động của các Soeurs Thủ Thiêm nhưng chị đã cảm nhận được một điều rất quan trọng là các nữ tu này là: "linh hồn cho cộng đoàn dân cư ở Thủ Thiêm này".

Với quá trình gần 200 năm hiện diện nơi này, nhưng nay những người quy hoạch thành phố mới muốn dẹp bỏ không những là cơ sở vật chất với biết bao dấu vế về lịch sử, văn hóa, xã hội, tôn giáo... và cả ngay linh hồn của Thủ Thiêm thì không biết họ quy hoạch kiểu nào? Chỉ có thể nói đó hoàn toàn là vì lợi ích và tư lợi cá nhân của nhóm trục lợi của những người cầm quyền mà thôi, vì đất sau khi quy hoạch đã đẩy giá từ 1 ngàn lên đến cả triệu đồng!

Trong vài ngày qua tình hình giải tỏa quy hoạch dự án Thủ Thiêm trở nên sôi động vì những cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố hay tổ đại biểu quốc hội VN với nhữn người dân bị di dời... Càng giải thích càng rối mù. Nào là bản đồ quy hoạch thành phố đã mất tích, nào là ranh giới quy hoạch dự án lúc thế này lúc thế kia; bất cập trong công tác bồi thường, chậm giải quyết đơn thư khiếu nại… Theo báo diện tử VnExpress tường trình thì những vấn đề nêu trên "khiến người dân bức xúc, thậm chí gay gắt khi tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội. Họ khiếu nại đã 20 năm qua, ra cả trung ương phản ánh, song đây là lần đầu tiên chính quyền lắng nghe họ".

Báo này viết như sau: "Ông Nguyễn Phước Hưng (Chủ tịch UBND quận 2) cho biết: "Đơn nào gửi cho UBND quận 2, chúng tôi đều kiểm tra và giải quyết khiếu nại. Bà con không đồng tình có thể khiếu nại lên trên. Riêng về mặt pháp lý xác định ranh đất, UBND quận 2 không trả lời được, chờ kết luận của UBND thành phố. Chủ tịch quận 2 vừa dứt lời, cả hội trường vang tiếng phản ứng: "UBND quận 2 là đơn vị triển khai thu hồi đất của dân mà không xác định được ranh, thu hồi kiểu gì".

Dư luận đặc biệt quan tâm đến thông tin liên quan tới Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm trong những ngày tiếp theo đây sẽ bị cưỡng chế di dời hay không? Hoặc vì Nhà thờ và Nhà Dòng thuộc trong 9 lô đất ở trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm nên sẽ được bán đấu giá?

Dư luận và nhiều người Công Giáo tại Việt Nam bày tỏ sự hoang mang trước thông tin, được báo chí truyền tải vào ngày 1 tháng 5, về Ủy ban Nhân dân Thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan có phương án di dời những cơ sở tôn giáo tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó có Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm và thu hồi đất của Trường tiểu học Thủ Thiêm, để bàn giao cho nhà đầu tư thi công tuyến đường ven sông và công viên bờ sông đúng tiến độ.

Trong tuần qua, Đài Á Châu Tự Do có cuộc phỏng vấn về tình hình Thủ Thiêm, Giáo dân là ông Giuse-Cao Thăng Ca, người người phụ trách pháp lý của Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Mến Thánh giá Thủ Thiêm, khẳng định với RFA rằng không có việc di dời xảy ra vì:

Ông Nguyễn Thiện Nhân tới thăm Dòng
“Thực chất nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm theo quy hoạch của thành phố Hồ Chí Minh đến giờ phút này vẫn còn được phép tồn tại. Hiện nay vấn đề pháp lý về quy hoạch đối với hội dòng và nhà thờ không thể chối cãi và phủ nhận được. Nếu bất kỳ một người nào muốn tìm thông tin về quy hoạch về Nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm chỉ cần vào trang web ‘Quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh’ thì thấy bản vẽ cho đến năm 2018 nhà thờ và nhà dòng vẫn tồn tại. Mới nhất đây, ông Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh đồng ý cho công ty của Hàn Quốc là Công ty Lotte để đầu tư làm khu lõi trung tâm thành phố-khu thành phố văn minh, thì trong bản vẽ này vẫn vẽ nhà thờ và nhà dòng tồn tại.”

Ông Cao Thăng Ca cho biết thêm có khoảng 3000 giáo dân tại giáo xứ Thủ Thiêm và hiện chỉ còn khoảng 400 đến 500 giáo dân vì số còn lại đã bị giải tỏa, di dời. Tuy nhiên, các gia đình giáo dân vẫn kiên trì đòi công lý, bảo vệ đất đai nhà cửa của họ và Nhà thờ Thủ Thiêm cùng Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm.

“Hiện nay Cha xứ là Cha Lê Đăng Niêm, mặc dù sức khỏe của Ngài rất kém do bị tai biến nhưng Ngài sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ tài sản, bảo vệ đoàn chiên. Ngài là tấm gương sáng cho giáo dân noi theo. Thành ra, chúng tôi cũng cương quyết gìn giữ và bảo vệ được nhà thờ, không cho bất kỳ một thế lực hay nhóm lợi ích nào xâm hại đến nhà thờ.”

Trước sự kiện có tính cách sống còn của Nhà thờ và Nhà Dòng Thủ Thiêm, và qua đó là sự tôn trọng tự do tôn giáo, chúng tôi kêu gọi toàn thể người Công Giáo Việt Nam khắp nơi hãy lên tiếng mạnh mẽ phản đối Nhà cầm quyền Việt Nam có ý đồ chiếm đoạt và tiêu diệt di sản văn hóa và tôn giáo không những của các nữ tu mà còn cả của người dân Thủ Thiêm. Xin những vị hữu trách thuộc Tòa TGM Saigòn và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam hãy làm mọi cách để ngăn chặn ý đồ chính quyền địa phương muốn phá sản truyền thống văn hóa và tôn giáo của các cơ sở Tôn giáo ở Thủ Thiêm.

Đồng Nhân

Lịch sử Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm
(Trích trang Web MTG Thủ Thiêm)

1. Lịch sử khai sinh Hội dòng:

Thời vua Minh Mạng, đạo bị bách hại dữ dội, nhất là trong cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi năm 1833, chính quyền bắt hại đạo dữ dội hơn, tàn phá các nhà thờ, tu viện. Nhiều Tu viện bị phá hủy hoàn toàn, chính vì thế các nữ tu của các Tu viện này đã chạy tứ tán khắp nơi. Một số gặp nhau ở Thủ Thiêm và dừng chân ở đây vào khoảng năm 1840. Nhưng chẳng được bao lâu, chị em lại phải đi lánh nạn, tá túc ở Xóm Chiếu, Rạch Chông,... vì tình hình an ninh quá bất ổn, quân Pháp chuẩn bị tiến vào Sài Gòn, bên cạnh đó, vùng Thủ Thiêm lại bị cọp beo hoành hành dữ dội.
Năm 1859, sau khi Pháp chiếm đánh Sài Gòn, tình hình tương đối ổn định, Đức cha Lefèbvre đã nhờ một số linh mục đi tìm và quy tụ các chị em nữ tu đang lánh nạn khắp nơi trong địa phận của ngài về Thủ Thiêm để tiếp tục sống Ơn gọi tu trì.

2. Địa chỉ Hội dòng:

76 khu phố 1, phường Thủ Thiêm, Quận 2, thành phố HCM.

Các hoạt động của Hội dòng tại Việt Nam (sau năm 1975):

a. Đức Tin:
- Phụ trách Giáo lý các cấp: Rước lễ lần đầu, Thêm sức, Thiếu nhi Thánh Thể, Tân Tòng, Giáo lý Hôn nhân,... Giáo Lý Viên.
- Làm việc mục vụ: phục vụ phòng thánh, cắm hoa, giặt áo lễ,.. .
- Trao Mình Thánh Chúa trong Thánh lễ và cho bệnh nhân tại nhà họ.
- Phụ trách ca đoàn và một số đoàn thể khác trong Giáo xứ
- Tập hoạt cảnh, dâng hoa, văn nghệ trong giáo xứ
- Thăm viếng, an ủi và nâng đỡ tinh thần bệnh nhân, người nghèo, gia đình rối.
- Phụ trách Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế tại một số Giáo xứ: gồm anh chị em giáo dân sống tinh thần Mến Thánh Giá.

b. Giáo dục
- Dạy Văn hóa, giáo dục nhân bản: Mẫu giáo, dạy kèm học sinh cấp I (nội trú)
- Dạy học trong trường nhà nước
- Nhà Nội trú: chăm sóc, hướng dẫn và dạy kèm các em học sinh (cấp I. II. III)
- Dạy ngoại ngữ (Anh, Pháp), đàn, cắm hoa, trang trí và vi tính.

c. Y tế:
- Tai Nhà Mẹ Hội dòng và một số cộng đoàn có phòng khám (điều trị kết hợp Đông y và Tây y): châm cứu, bấm huyệt và phát thuốc chữa bệnh, ưu tiên phục vụ người nghèo miễn phí.
- Một số chị em phục vụ trong các bệnh viện: Chợ Rẫy, Nguyễn Tri Phương

d. Xã hội:

* Lớp học Tình thương:
- Tại Hội dòng và một số cộng đoàn mở lớp tình thương cho trẻ em nghèo thất học, không đủ điều kiện (giấy tờ) để vào trường nhà nước. Các em được giáo dục nhân bản, được trợ cấp sách vở, dụng cụ học tập, học văn hoá và được bồi dưỡng nhẹ trong các buổi học.
Hằng năm, sau khi các em học một năm tại lớp Tình Thương của Hội dòng, nếu còn trong độ tuổi lớp 1 các em sẽ được chuyển ra trường để học chương trình phổ thông. Còn các em học hết lớp 4, đều được chuyển ra trường ngoài học tiếp theo.
Hội dòng cũng liên hệ chính quyền làm giấy khai sinh cho nhiều em trễ hạn, để các em có hồ sơ hoàn chỉnh vào trường chính quy.

* Cấp học bổng
- Tại Nhà Mẹ: Thường có ba dạng học bổng: có những em nhận tiền từ đầu năm, mỗi năm 200.000-300.000 đồng; số khác nhận học bổng Nhật: mỗi tháng 200.000-250.000 đồng; phần còn lại lãnh học bổng phát sinh, mỗi tháng 50.000 đồng. Nhờ có học bổng, gia đình các em có thể đóng tiền đầu năm, duy trì việc học cho trẻ. Một số các em chuyển ra trường phổ thông cũng phải đóng hàng tháng 50.000 đồng.
Hội dòng liên hệ với các hội từ thiện và cha mẹ đỡ đầu giúp học bổng cho một số học sinh nghèo có đủ điều kiện để theo học chính quy từ lớp 01 cho đến khi hoàn tất chương trình phổ thông; những em có khả năng vào Đại học, vẫn được tiếp tục nhận học bổng cho đến khi ra trường.

* Huấn nghệ
Mở lớp huấn nghệ miễn phí dạy tại Hội dòng: thêu, may, vi tính, đàn, Anh văn, vẽ và giới thiệu học nghề miễn phí ở nơi khác (sửa xe, điện lạnh, điện tử...).
Nghề thêu, sau khi mãn khoá học, tổ thêu của Hội dòng giao hàng đến các nơi tiêu thụ, giúp các em có việc làm. Có những em có thể nhận hàng thêu cao cấp.

* Quán cơm Tình Thương
Được sự giúp đỡ của Hội Huynh đệ Việt Nam - Canada, quán cơm tình thương ra đời ngày 01-4-1992, phục vụ cơm trưa miễn phí cho người nghèo; bán với giá đặc biệt (chỉ bằng một nửa so với bên ngoài) cho các công nhân viên, học sinh, người lao động nghèo... Hàng ngày, chị em phục vụ cơm trưa cho khoảng 30-40 người với giá mỗi phần ăn từ 1.500 đến 3.000đ. Quán cơm duy trì cho đến cuối năm 2006 thì ngưng hoạt động, vì người dân phải di tản đến nơi khác, vùng Thủ Thiêm đang trong chính sách giải toả.
Hàng tháng, khoảng 70 gia đình già yếu, neo đơn, tàn tật, mồ côi đến nhận tiền (=10 kg gạo).

* Giúp bệnh nhân nghiện ma tuý và nhiễm HIV/AIDS
- Từ năm 2002 đến 2004, Hội dòng giúp các em trong giáo xứ cai nghiện ma tuý theo phương pháp tâm linh và hỗ trợ tinh thần cho người bệnh AIDS giai đoạn cuối. Tổ chức cho các phụ huynh của các em bệnh cũng tham gia cầu nguyện hàng tuần. Hội dòng cùng hỗ trợ bằng lời cầu nguyện.
- Có một chị em đang phục vụ bệnh nhân AIDS tại Trọng Điểm (Cộng đoàn Mai Linh)

* Mục vụ di dân
Lập nhà Trọ Di dân Lâm Bích tại Búng. Mục đích nhà trọ này là tạo điều kiện cho các thiếu nữ nghèo từ các nơi xa (Bình Phước, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bình Định, Nghệ An, Vinh, Bắc Cạn,...) có nơi trọ an toàn. Đây không chỉ là nơi trọ, hằng tuần, Hội dòng cho chị em đến giúp các thiếu nữ về nhiều phương diện: nâng cao kiến thức về nhân bản, chăm sóc sức khoẻ và những vấn đề xã hội; dạy nghề, cụ thể là mở lớp huấn nghệ thêu may.
* Phục vụ dân tộc thiểu số (Có 2 cộng đoàn tại Pleiku và Di Linh)

Điều kiện gia nhập Hội dòng:

- Tuổi từ 17 đến 23, trên 23 tuổi cần có phép chuẩn của chị Tổng Phụ trách;
- Trình độ học vấn: hết cấp III.
- Được Cha Xứ giới thiệu;
- Không bị sa thải từ một Dòng khác;
- Nếu ứng sinh mới gia nhập Giáo hội, tính từ lúc rửa tội đến khi gia nhập Thanh Tuyển tối thiểu là ba năm, cần Xem xét mức độ trưởng thành về đời sống đức tin của ứng sinh;
- Có sức khỏe thể lý và tâm lý bình thường;
- Gia đình không có người mắc bệnh thần kinh.

3. Địa chỉ liên lạc về Ơn gọi:

- Nhà Mẹ Hội dòng:
76 khu phố 1, phường Thủ Thiêm, Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh
Tel: (08) 7400455 - (08) 7400029

- Cộng đoàn Anna:
L 44/11 phường Xuân Bình, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai
Tel: 0613 877592 - 0613 241882

- Cộng đoàn Bảo Lộc:
2 Bế Văn Đàn, Phường B’Lao, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng
Tel: 063 864954

4. Cộng tác về chuyên môn của Hội dòng trong công việc phục vụ chung:

- Từ năm 1980, chị em cộng tác với Tòa soạn Tuần báo Công Giáo và Dân Tộc Thành phố Hồ Chí Minh.
- Từ năm 1991, chị em phục vụ tại Trung Tâm Công Giáo Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.
- Năm 1992, chị em cộng tác với Nhóm Giáo Lý Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.
- Từ năm 1999, chị em cộng tác với Ban Điều Hành Lớp Thần Học Liên Hội dòng Mến Thánh Giá.
- Từ năm 2000, chị em làm việc trong Nhà Sách Giáo phận Xuân Lộc.
- Từ tháng 11-2000, chị em cộng tác trong lớp nhạc Quê Hương do cha Giuse Nguyễn Xuân Thảo (OFM) tổ chức để dạy xướng âm cho tu sĩ và giáo dân
- Từ tháng 12-2003, chị em làm việc cho Văn phòng “Bài Giảng Chúa Nhật” tại Toà tổng Giám mục Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.
- Từ năm 2004, chị em cộng tác với Giáo phận Tp. HCM làm việc tại Trọng Điểm giúp bệnh nhân AIDS.
- Từ tháng 8-2006, chị em làm việc cho báo “Hiệp Thông” của Hội đồng Giám mục, văn phòng đặt tại Toà tổng Giám mục Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.
- Từ tháng 10-2006, chị em cộng tác với các cha Dòng Tên trong việc "Huấn luyện tác viên Tin Mừng", cầu nguyện với Lời Chúa.
- Từ tháng 02-2007, chị em cộng tác với Trung Tâm Mục Vụ Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh huấn luyện Giáo lý viên. Đồng thời làm việc với nhóm Giáo lý thuộc Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.
- Từ năm 2007, chị em cộng tác với Ủy Ban Bác Ái Xã Hội làm việc tại Trung Tâm Công Giáo.