(Vatican 15/09/2004). Trong những ngày gần đây, bộ trưởng Nội Vụ Do Thái là Avraham Poraz đã có những tiếp xúc với Đức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và hôm thứ Ba 14/9/2004 cũng đã tới Castel Gandolfo để được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tiếp kiến. Tin tức này loé lên niềm hy vọng giải quyết vấn đề visa cho hàng giáo sĩ Công Giáo tại Thánh Địa. Trong bài này, chúng tôi xin tóm tắt một số điểm liên quan đến vấn đề này:

Vấn đề visa của giáo sĩ Công Giáo tại Thánh Địa:

Theo cha David Jaeger, người Do Thái, phát ngôn viên của các hiệp sĩ Thánh Mộ cho biết thì hiện nay số tín hữu Công Giáo tại Thánh Địa chỉ còn 2% dân số so với 20% dân số vào thời điểm 1947. Dân số Công Giáo đã vơi đi dần vì những bất ổn gây ra từ cả hai phía những người Do Thái lẫn những người Hồi Giáo Palestine. Trong số 2% người Công Giáo đó, đa số là người Palestine. Người Do Thái theo đạo Công Giáo sống ngay tại Thánh Địa không nhiều. Trong những năm gần đây, có một dấu hiệu khả quan là ngày càng có nhiều Công Giáo Do Thái đến từ Nga và các nước phương Tây trở về sinh sống trong vùng này. Những anh chị em Công Giáo Do Thái này đóng một vai trò quan trọng đối với Giáo Hội địa phương và Giáo Hội Hoàn Vũ. Đặc biệt trong tình hình hiện nay khi chính phủ Sharon đang gây nhiều khó khăn cho Giáo Hội Công Giáo. Tuy thế, số người Công Giáo Do Thái cũng vẫn còn rất ít. Chính vì thế, để trông coi các đền thờ tại Thánh Địa, các việc phụng tự, để tiếp tục công việc truyền giáo, các hoạt động bác ái, xã hội và các hoạt động bình thường khác của Giáo Hội như bất cứ nơi nào trên thế giới, Giáo Hội cần phải đưa các giáo sĩ từ các nơi khác đến.

Trong hai năm qua, Do Thái đã ngưng không chịu cấp chiếu khán nhập cảnh cũng như gia hạn cho số 157 linh mục tu sĩ Công Giáo tại Thánh Địa. Việc trì hoãn và ngưng cấp chiếu khán cho một số đông giáo sĩ Công Giáo như vậy khiến toàn bộ công việc của Giáo Hội tại Thánh Địa bị ngưng lại. Đánh giá về tình hình này, Đức Thượng Phụ Michel Sabbah, Thượng Phụ đầu tiên người Palestine trong vai trò coi sóc khu vực Jordan, Israel và Palestine từ khi chức vụ này được thành lập vào năm 1099, nhận xét rằng việc trì hoãn không chịu cấp chiếu khán cho các linh mục Công Giáo đang đe dọa "sự sống còn của Giáo Hội tại đây".

Tuyên bố của phía Giáo Hội Công Giáo trong những ngày gần đây:

Cha David Jaeger, chuyên gia về các vấn đề tài phán với Do Thái nhận xét rằng điều khó chịu nhất là “sự bí mật về các chuẩn mực được các viên chức nhà nước Do Thái dùng để quyết định ban cấp hay từ chối chiếu khán nhập cảnh cho một giáo sĩ”.

Phát biểu trên Radio Vatican, cha Jaeger cho biết: “một nhà nước pháp quyền cần phải công khai tuyên bố những chuẩn mực và các tiến trình để mọi người biết và có thể dùng khi liên hệ với chính quyền”.

Tuyên bố của phía Do Thái trong những ngày gần đây:

Trong buổi phỏng vấn với Radio Vatican, ông Avraham Poraz, bộ trưởng nội vụ Do Thái cho biết: “Tôi đã hứa rằng bộ của chúng tôi sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho mọi tiến trình hầu các giáo sĩ có thể đến Thánh Địa được thuận tiện”.

Tuy nhiên, ông nhận xét rằng “Tôi phải giải thích rằng nhiều người đến từ các nước đang trong tình trạng thù địch với Do Thái. Điều không may là chúng tôi không có hòa bình với các nước láng giềng và nếu người ta đến từ các nước chẳng hạn như Li Băng, Syria hay Jordan thì chúng tôi phải kiểm tra họ kỹ lưỡng”.

”Và chúng tôi đã thỏa thuận rằng trong một số trường hợp, Tòa Thánh Vatican tại Rôma đây sẽ đề nghị những người để chúng tôi yên tâm là sẽ không có vấn đề gì với họ”.

“Tóm lại là nếu chúng tôi có sự giới thiệu từ Rôma rằng họ được Tòa Thánh biết đến và những người đó không phải là mối đe dọa thì chuyện sẽ dễ dàng hơn và chúng tôi có thể rút ngắn tất cả các công việc kiểm tra an ninh”.